...Về cơ bản sau mỗi đợt ra quân tình trạng họp chợ, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi bán hàng, kinh doanh đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm những vi phạm tại chợ Cầu Mới thì vẫn là bài toán khó đối với chính quyền địa phương.
Chợ đầu mới Ngã Tư Sở (chợ Cầu Mới) nằm trên địa bàn giáp ranh giữa phường Thịnh Quang và phường Ngã Tư Sở (quận Đống Đa); phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân) đã tồn tại từ nhiều năm nay. Phố Cầu Mới kéo dài từ đường Nguyễn Trãi đến Cây xăng đường Láng, dọc theo sông Tô Lịch dù chỉ dài khoảng 400m nhưng bắt đầu từ nửa đêm đến khoảng 8 giờ sáng khu vực này luôn tập trung khá đông người mua bán.
Lực lượng chức năng của phường Thịnh Quang đã tổ chức nhiều đợt ra quân lập lại trật tự đô thị, xử lý vi phạm, giải tỏa với quy mô lớn. Sau mỗi đợt giải tỏa, lực lượng chức năng phường Thịnh Quang thường xuyên nhắc nhở, ngăn chặn tình trạng tái phạm, thế nhưng khi lực lượng chức năng vừa vắng bóng thì việc lấn chiếm vỉa hè, buôn bán lại tiếp tục diễn ra.
Bà Vũ Mai Khanh, Chủ tịch UBND phường Thịnh Quang cho biết: Chợ đầu mối Ngã Tư Sở (chợ Cầu Mới) nhiều năm nay được coi là điểm đen về TTĐT và vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND quận Đống Đa, hằng năm phường Thịnh Quang cùng phường Ngã Tư Sở đã xây dựng KH liên tịch, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, do người vi phạm không phải công dân của phường, buôn bán không cố định trong khi đó lực lượng chức năng mỏng, chưa duy trì được thường xuyên, việc kiểm tra, nhắc nhở các trường hợp vi phạm, ý thức của người dân còn hạn chế, và đây lại là vấn đề liên quan đến mưu sinh kiếm sống của người dân nên rất khó xử lý triệt để.
Chợ đầu mối Ngã Tư Sở nằm ở vị trí giao thông trọng điểm, nhiều xe qua lại, điều đáng nói việc họp chợ cóc khu vực Cầu Mới ở đây gần như chiếm chọn 2 bên đường, người bán ngồi sát bên lề, người mua đỗ xe dưới lòng đường, gây nên cảnh lộn xộn vào sáng sớm. Không những vậy, sau mỗi buổi họp chợ môi trường ở đây nhếch nhác, hầu hết những người bán hàng ở đây đều biết việc bán hàng như này là vi phạm giao thông và sẽ bị xử phạt. Tuy nhiên, vì miếng cơm manh áo, họ vẫn bám mặt đường để kiếm sống, khi lực lượng chức năng phường Thịnh Quang đi kiểm tra, bà con dọn hàng chạy sang khu vực phường Ngã Tư Sở và phường Thượng Đình, khi lực lượng chức năng đi rồi thì đâu lại vào đó, điều đó gây khó khăn cho việc xử lý vi phạm.
Theo quy định của pháp luật, với trường hợp vi phạm họp chợ ven đường, mức xử phạt rất cao, tuy nhiên mức xử phạt này lại không khả thi. Bởi đa số các trường hợp lấn chiếm hành lang ATGT để buôn bán đều là những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có tài sản giá trị, nên chính quyền không thể cưỡng chế. Còn nếu chỉ thu hồi tang vật vi phạm vài mớ rau, mấy kg trái cây, cân đồng hồ… như hiện nay thì chưa đủ tính răn đe.
Thực trạng trên cho thấy, việc giải tỏa chợ đầu mối khu vực Cây xăng Đường Láng – Cầu Mới đang là bài toán khó đối với các ngành chức năng. Do vậy, thời gian tới, để lập lại trật tự đô thị tại đây cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp và sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền các phường khu vực Cầu Mới, để tránh tình trạng lực lượng chức năng đuổi bên này, bà con lại chạy sang khu vực phường khác.
Cùng với đó, về lâu dài cần nghiên cứu, bố trí, xây dựng chợ một cách hợp lý. Đồng thời, nâng cấp, cải tạo chợ truyền thống sao cho thuận tiện mua bán, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm bớt các loại phí để hỗ trợ tiểu thương, tăng sức cạnh tranh với hàng rong, chợ cóc.
Đối với người tiêu dùng, cũng cần xây dựng thói quen, thực hiện nếp sống văn minh, bảo đảm trật tự ATGT, vệ sinh môi trường, tìm đến các khu chợ tập trung, chợ chính, các trung tâm thương mại thay vì mua hàng ở chợ cóc, chợ tạm. Đây không chỉ là việc làm vì sức khỏe của chính bản thân người tiêu dùng mà còn là cách góp phần tích cực trong việc xóa bỏ chợ cóc, chợ tạm bảo đảm trật tự ATGT đô thị.