Năm 2023, xuất khẩu rau quả có thể lập kỷ lục mới

11/07/2023 08:57

Với kim ngạch xuất khẩu rau quả 6 tháng đầu năm nay tăng 64%, cao nhất trong lịch sử, việc đạt 4 tỷ USD hoàn toàn khả thi và thậm chí ngành này có thể lập kỷ lục mới.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 6 tháng đầu năm 2023 kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 24,5 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, song chúng ta vẫn có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu cà phê đạt 2,4 tỷ USD, cao su 1 tỷ USD, gạo 2,3 tỷ USD, rau quả 2,7 tỷ USD, hạt điều 1,6 tỷ USD, tôm 1,5 tỷ USD, sản phẩm gỗ 4 tỷ USD.

Năm 2023, xuất khẩu rau quả có thể lập kỷ lục mới - Ảnh 1.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm, ngành hàng rau quả đã mang về gần 2,8 tỷ USD, bằng 81,8% của cả năm 2022. Ảnh: VTV

Đáng chú ý, rau quả là hai mặt hàng tăng trưởng mạnh nhất. Xuất khẩu rau quả đã mang về gần 2,8 tỷ USD, tăng tới 64% so với cùng kỳ và bằng 81,8% của cả năm 2022. Với kết quả này, xuất khẩu rau quả đang là điểm sáng của ngành nông nghiệp.

Kim ngạch xuất khẩu "bùng nổ" là nhờ thị trường Trung Quốc. Đóng góp lớn nhất là sầu riêng. Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng năm nay dự báo sẽ vượt 1 tỷ USD, khả năng đạt 1,5 tỷ USD.

Theo các chuyên gia trong ngành, nếu giữ đà tăng trưởng, chắc chắn cả năm đạt 4 tỷ USD và thậm chí có khả năng xác lập kỷ lục 5 tỷ USD.

Dù tăng trưởng vượt bậc, song ngành rau quả Việt Nam chưa khai thác hết lợi thế khi mới là nguồn cung cấp thứ 3 cho Trung Quốc (sau Chile và Thái Lan) và khoảng cách còn khá xa. 

Ngoài ra, Việt Nam mới chỉ đứng thứ 50 trong số các thị trường cung cấp rau quả cho EU. Năm 2022, rau, củ, quả Việt Nam chỉ chiếm 0,2% tổng trị giá nhập khẩu trái cây của EU.

Hiện vẫn còn nhiều dư địa cho trái cây và rau củ Việt Nam thâm nhập thị trường EU vì quy mô của thị trường này chiếm tới 43% giá trị thương mại trái cây và rau toàn cầu. Trong khi đó, với lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Việt Nam được xóa bỏ đến 94% dòng thuế cho rau quả (trước đó có thuế suất 10-20%), tạo lợi thế cạnh tranh lớn so với nhiều quốc gia xuất khẩu khác.

 

Chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt - cho biết rau quả của Việt Nam có rất nhiều tiềm năng xuất khẩu, không thua kém gì các nước trên thế giới. Trong tương lai, tiềm năng xuất khẩu rau quả của Việt Nam có thể đạt 10 tỷ USD. Trong tương lai, tiềm năng xuất khẩu rau quả của Việt Nam có thể đạt 10 tỷ USD.

Tuy nhiên đây là câu chuyện dài hơi, cần sự đồng bộ của nhiều khâu; trong đó, quan trọng hơn cả là đảm bảo chất lượng từ cây giống ban đầu. Cùng với đó là gia tăng khoa học công nghệ, gia tăng chế biến thay vì xuất khẩu thô. Đồng thời cần có chiến lược và sự đầu tư xứng đáng của Nhà nước trong lĩnh vực trồng trọt, đặc biệt là rau quả.

Hơn nữa, để có thể nâng cao sản lượng xuất khẩu, các doanh nghiệp cần phải xác định rõ thị trường, sản phẩm và nghiên cứu kỹ về những tiêu chuẩn riêng mà mỗi quốc gia yêu cầu. 

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần xây dựng mô hình theo chuẩn GlobalGap, VietGap, FSSC 22000…, đồng hành cùng các hộ nông dân, thuyết phục, hướng dẫn người dân canh tác, trồng trọt theo các tiêu chuẩn xuất khẩu.

Đồng thời, doanh nghiệp tăng cường xây dựng chuỗi liên kết bền vững với các hợp tác xã, thương lái, với đầy đủ chức năng để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư về thị trường, hỗ trợ nông dân, nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu bền vững.

Nếu làm tốt công tác giống, quy trình canh tác, khai thác tiềm năng, mở rộng thị trường... thì con số 10 tỷ USD từ xuất khẩu rau quả Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được.

Minh An (t/h)
Bạn đang đọc bài viết "Năm 2023, xuất khẩu rau quả có thể lập kỷ lục mới" tại chuyên mục KINH TẾ.