Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Mỹ ngày 5/7 xác nhận một máy bay ném bom B-52 thuộc Phi đội ném bom 96 đã thực hiện chuyến bay kéo dài 28 giờ đồng hồ, cất cánh từ căn cứ không quân Barksdale ở bang Louisiana, Mỹ tới Biển Đông để tham gia cuộc tập trận phối hợp với 2 nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan, trước khi hạ cánh xuống căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam.
“B-52 đã thực hiện sứ mệnh 28 giờ để thể hiện cam kết của Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đối với an ninh và ổn định tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, trang web của Không quân Thái Bình Dương Mỹ đưa tin.
Trung tá Christopher Duff, chỉ huy Phi đội ném bom 96, cho biết sự hiện diện của máy bay ném bom B-52 trên đã cho thấy “năng lực của Mỹ trong việc triển khai nhanh chóng (máy bay ném bom) tới một căn cứ ở tiền tuyến và thực hiện các chiến dịch tấn công tầm xa”.
“Chuyến bay này cho thấy năng lực của chúng tôi trong việc triển khai (máy bay) từ căn cứ ở quê nhà để hoạt động ở bất kỳ nơi nào trên thế giới và thực hiện các sứ mệnh”, Trung tá Duff cho biết thêm.
Hải quân Mỹ ngày 4/7 thông báo hai nhóm tác chiến tàu sân bay hạt nhân USS Nimitz và USS Ronald Reagan đã cùng nhau tập trận tại Biển Đông. Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ cho biết trong quá trình tham gia tập trận không kích và phòng không, các tàu sân bay cùng các tàu hộ vệ thực hành kỹ năng ứng phó với “các cuộc tấn công có thể xảy ra của kẻ thù”.
Cuộc tập trận của 2 tàu sân bay Mỹ đã được lên kế hoạch từ lâu, nhưng diễn ra trùng thời điểm Trung Quốc thực hiện cuộc tập trận trái phép gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Chuẩn Đô đốc George M. Wikoff, chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan, khẳng định cuộc tập trận của 2 tàu sân bay Mỹ lần này không phải là động thái đáp trả cuộc tập trận của Trung Quốc trong khu vực.
Các máy bay ném bom, bao gồm B-52, cùng các tên lửa đạn đạo liên lục địa và tàu ngầm hạt nhân chiến lược, được xem là bộ 3 nền tảng vũ khí hạt nhân chính của Mỹ. B-52 có thể mang 31 tấn thuốc nổ bay xa hơn 6.400 km và có thể thực hiện sứ mệnh tác chiến một mình. B-52 cũng được xem là xương sống của lực lượng máy bay ném bom Mỹ và quân đội Mỹ dự kiến sử dụng máy bay này tới năm 2050.
Lần này, máy bay ném bom B-52 được triển khai trở lại tại Guam sau 3 tháng. Hồi tháng 4, quân đội Mỹ đã rút 5 chiếc B-52 từ căn cứ trên đảo Guam, đánh dấu lần đầu tiên máy bay ném bom chiến lược này bị rút hoàn toàn khỏi Guam kể từ năm 2004.
Việc tái triển khai B-52 tới Guam càng củng cố thêm chiến lược “triển khai lực lượng năng động” của quân đội Mỹ. Mục đích của chiến lược này nhằm cho phép Mỹ triển khai lực lượng quân sự một cách bất ngờ để đảm bảo rằng các đối thủ như Trung Quốc và Nga khó nắm bắt hơn.
Chuyên gia Wang Ya'nan nói với Global Times ngày 5/7 rằng việc Mỹ vừa triển khai B-52 vừa tiến hành tập trận tại Biển Đông không phải “chuyện tình cờ”, mà mục đích của Washington muốn phô diễn sức mạnh của lực lượng tấn công tầm xa, cũng như năng lực của tàu sân bay Mỹ.
“Bằng cách tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn ở Biển Đông, Mỹ muốn rõ ràng muốn phô diễn lực lượng của họ trước Trung Quốc”, chuyên gia Wang nhận định.
Theo Thương hiệu & Công luận
"https://thuonghieucongluan.com.vn/my-dua-b-52-toi-bien-dong-tap-tran-cung-2-tau-san-bay-a106233.html"