Ngày 01/12/2021, Thời báo Tài chính Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Lợi ích của hoá đơn điện tử”. Cuộc tọa đàm có sự đồng hành của Công ty cổ phần Công nghệ Thẻ Nacencomm; Công ty cổ phần TS 24; Công ty cổ phần BKV; Công ty CYBERTLOTUS.
Ngày 17/09/2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký ban hành Thông tư số 78/2021/TT-BTC về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP.
Để thực hiện theo quy định của Luật, Tổng cục Thuế đã xây dựng lộ trình triển khai hóa đơn điện tử theo 2 giai đoạn và đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt. Giai đoạn 1 từ tháng 11/2021 đến tháng 3/2022, triển khai tại 6 tỉnh, thành phố là: Hà Nội, TP. HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Thọ và Bình Định. Giai đoạn 2 từ tháng 4/2022 đến tháng 7/2022 thực hiện tại 57 tỉnh, thành phố còn lại. Hiện giai đoạn 1 đã chính thức được triển khai từ tháng 11 và đang nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân và doanh nghiệp.
Để chính sách quản lý hóa đơn điện tử được hoàn thiện như hôm nay, ngành Thuế đã trải qua thời gian khá dài để hoàn thiện các quy định liên quan, cũng như đưa hóa đơn điện tử vào áp dụng trong thực tế.
Việc đẩy mạnh áp dụng hóa đơn điện tử của ngành Thuế hiện nay cũng phù hợp với “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Thủ tướng Chính phủ, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc về yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc…
Đối với Tổng cục Thuế, việc đưa hóa đơn điện tử vào cuộc sống chính là một trong những điểm nhấn quan trọng của quá trình chuyển đổi số ngành Thuế hiện nay.
Tại cuộc tọa đàm trực tuyến, đại diện Tổng cục Thuế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng như doanh nghiệp cung cấp hóa đơn chia sẻ về những quy định liên quan đến hóa đơn điện tử tại các văn bản pháp luật về thuế mới ban hành; phân tích điểm khác và nổi bật so với các quy định trước đây; lợi ích mà hóa đơn điện tử mang lại với cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp,…
Ông Lưu Đức Huy - Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế cho biết: Theo số liệu từ hệ thống Hóa đơn điện tử của Tổng cục Thuế, đến thời điểm này (10 ngày kể từ ngày kích hoạt hệ thống áp dụng hóa đơn điện tử tại 6 tỉnh, thành phố) đã có khoảng 30.000 doanh nghiệp đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định 123, Thông tư 78 và đã có khoảng 60.000 hóa đơn có mã của cơ quan thuế đã được lập.
Bước đầu kết quả là rất khả quan, mặc dù có một số vướng mắc trong giai đoạn đầu liên quan đường truyền, giải pháp phần mềm. Tuy nhiên, cả cơ quan thuế và các tổ chức cung cấp giải pháp, tổ chức kết nối đều đã thường xuyên nâng cấp ứng dụng, giải đáp thường xuyên thắc mắc cho doanh nghiệp đảm bảo việc lập hóa đơn điện tử để gửi đến cơ quan thuế để cấp mã diễn ra nhanh chóng.
Đến nay, Tổng cục Thuế đã đăng tải công khai thông tin của 40 tổ chức cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử lên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đây là chính sách quan trọng đối với ngành Thuế cũng như cộng đồng doanh nghiệp. Thời gian qua, ngành Tài chính, ngành Thuế là cơ quan tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Việc chuyển đổi hóa đơn điện tử trên cả nước là nỗ lực lớn. Ngành Thuế đã nỗ lực từng bước, chuẩn bị hạ tầng một thời gian dài. Chúng tôi tin rằng điều này đã đúng mong muốn của doanh nghiệp.
Trước đây, nhiều doanh nghiệp lo ngại lộ trình ngắn quá nhưng thời gian vừa rồi đã có bước chuẩn bị tốt. Lợi ích của hóa đơn điện tử, chúng ta đã nói nhiều, nhất là với các doanh nghiệp làm việc đàng hoàng nghiêm túc.
Lợi ích thấy rõ nhất là tránh tình trạng gian lận, mua bán hóa đơn, tránh việc sử dụng hóa đơn bất hợp phát, giúp tiết kiệm chi phí phát hành lưu giữ cũng như công tác có liên quan như hoàn thuế. Với các công ty bán lẻ hay các tổ chức giao dịch nhiều cái nhỏ thì ứng dụng hóa đơn rất thuận tiện cho việc quản trị, tiết kiệm chi phí và giúp hoạt động kinh doanh tốt hơn.
Ông Phùng Huy Tâm - Giám đốc Công ty CP Công nghệ thẻ Nacencomm chia sẻ: Với vai trò vừa là doanh nghiệp, vừa là nhà cung cấp giải pháp, thực tế cho thấy bản thân doanh nghiệp chúng tôi cũng đã quan tâm hóa đơn điện tử ngay từ thời kỳ đầu nên đã thấy được rất nhiều lợi ích. Rõ ràng lợi ích của hóa đơn điện tử là giúp doanh nghiệp thực hiện không khoảng cách… từ đó giúp doanh nghiệp có lợi thế về mặt chi phí. Một điểm nữa là thay đổi trải nghiệm của khách hàng và sự an tâm của người nộp thuế.
Từ trải nghiệm của doanh nghiệp chúng tôi thì có những thời điểm, như xảy ra tình huống mua hàng hóa thật nhưng đến một lúc nào đó thì hóa đơn, chứng từ lại thành không hợp lệ, vì thế với hóa đơn điện tử thì người nộp thuế rất an tâm. Đây là điều rất quan trọng.
Điều cốt lõi là doanh nghiệp được tham gia vào thời đại số hóa thời gian thực. Nhờ đó doanh nghiệp có thông tin về sức khỏe của các doanh nghiệp khác, đặc biệt là doanh nghiệp kỳ vọng cũng có thời gian thực về mặt vốn nữa. Ngoài ra, có trải nghiệm của khách hàng về tích cực và tiêu cực để từ đó tiết giảm tiêu cực và tăng tiêu cực.
Với cơ quan thuế thì công tác quản lý vi mô và vĩ mô cũng là thời gian thực, tức là điều hành và dự báo hỗ tợ người nộp thuế tốt. Và cuối cùng là lợi thế của toàn xã hội là lợi ích về kinh tế.
Kể từ khi công bố áp dụng hóa đơn điện tử (21/11) đến nay đã tiếp nhận đăng ký của khoảng 40.000 doanh nghiệp, hiện có khoảng trên 81.000 hóa đơn điện tử đã được lập. Qua triển khai cho thấy, cơ bản đáp ứng các điều kiện yêu cầu đặt ra về mặt quản lý thuế và Thông tư 78 quy định. Thời gian đầu có vướng mắc liên quan đến phần mềm, đường tuyền, Tổng cục Thuế và các tổ chức cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử, lưu trú đường truyền đã thường xuyên nâng cấp ứng dụng và giải đáp thắc mắc của người nộp thuế tại 6 tỉnh, thành phố và cơ bản đạt kết quả đề ra.