Mỗi tháng có 11,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường
Tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội quý II và 6 tháng năm 2021 do Tổng cục Thống kê (TCTK) tổ chức sáng 29/6, ông Phạm Đình Thúy - Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp - cho biết, làn sóng Covid-19 lần thứ 4 ảnh hưởng nặng nề đến tình hình đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp (DN). Số lượng DN đăng ký thành lập mới của cả nước giảm mạnh, trong khi đó số lượng DN tạm ngừng kinh doanh chờ làm thủ tục giải thể tăng cao.
Cụ thể, trong tháng 6/2021, cả nước có 11,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 164,3 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký gần 71,9 nghìn người, giảm 2,5% về số doanh nghiệp, tăng 9,1% về vốn đăng ký và giảm 0,4% về số lao động so với tháng 05/2021. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 14,5 tỷ đồng, tăng 11,9% so với tháng trước và tăng 43,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng, cả nước có 4.867 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 0,5% so với tháng trước và giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước; 3.867 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 13,7% và tăng 20,2%; 5.238 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 23,7% và tăng 36,3%; 1.919 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 50% và tăng 40,3%.
Cũng trong 6 tháng đầu năm nay, có 70,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020, bao gồm: 35,6 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước; 24,7 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 25,7%; 9,9 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 33,8%. Trung bình mỗi tháng có 11,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Trong đó, ngành có số lượng DN giải thể trong nửa đầu năm nay nhiều nhất là các ngành dịch vụ, có tới 7.428 DN - tăng 30,9%; ngành công nghiệp tuy có số lượng DN đăng ký giải thể thấp hơn với hơn 2.300 DN nhưng tốc độ giải thể DN của toàn ngành rất cao, tăng 43,1% so với cùng kỳ.
"Có thể nói rằng tác động của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 này rất nặng nề đến tình hình đăng ký kinh doanh, đặc biệt là số lượng đăng ký thành lập mới cũng như số DN ngừng hoạt động và số DN hoàn tất thủ tục giải thể", ông Thúy nhấn mạnh.
DN sản xuất công nghiệp chịu tác động nặng nề
Đợt dịch lần thứ 4 bùng phát trong tháng 5, 6 đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nói chung của DN, và đặc biệt là DN sản xuất công nghiệp, làm suy giảm quy mô tốc độ tăng trưởng. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành công nghiệp cả nước đạt đỉnh trong tháng 4/2021 với mức tăng ấn tượng 22,5%. Tuy nhiên, chỉ số này đã giảm mạnh xuống còn 11,8% trong tháng 5 và đặc biệt chỉ còn tăng 6,8% trong tháng 6.
"Chỉ số sản xuất công nghiệp cả nước dự kiến 6 tháng đầu năm 2021 tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước. Nếu không có làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư thì dự kiến con số này sẽ là 12 - 15%. Như vậy, làn sóng Covid-19 làm giảm mức tăng của chỉ số sản xuất công nghiệp 5 - 6%", ông Thúy nói.
Tuy mức tăng chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm nay tăng cao hơn nhiều so với mức tăng 2,8% của 6 tháng đầu năm 2020 - thời điểm bắt đầu có dịch, nhưng thấp hơn 0,1% so với mức tăng 9,4% của nửa đầu năm 2019 - thời điểm trước khi Covid-19 xuất hiện.
Mức tăng trưởng 9,3% trong 6 tháng đầu năm nay được ông Thúy đánh giá là mức tăng trưởng ấn tượng và là điểm sáng trong các chỉ tiêu đóng góp vào GDP trong nửa đầu năm nay.
Đáng chú ý, ngành chế biến chế tạo 6 tháng đầu năm đạt mức tăng trưởng cao với chỉ số tăng trưởng là 11,6%, đóng góp tới trên 51% vào mức tăng trưởng GDP. Rõ ràng ngành chế biến chế tạo nói riêng và ngành công nghiệp nói chung là động lực tăng trưởng lớn nhất cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, theo ông Thúy, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đã ảnh hưởng nặng nề đến một số trung tâm công nghiệp. Bắc Giang là địa phương có nhiều doanh nghiệp công nghiệp thu hút hàng chục ngàn lao động. Lao động trong các DN sản xuất công nghiệp thời điểm tháng 6/2021 giảm tới 64%.
"Có lẽ Bắc Giang là tỉnh chịu tác động nặng nề nhất của đợt dịch này. Do lao động phải nghỉ việc để giãn cách xã hội, nên sản xuất công nghiệp của Bắc Giang trong 6 tháng đầu năm nay chỉ tăng 9%. Nếu không có làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư thì dự kiến sản xuất công nghiệp của Bắc Giang 6 tháng đầu năm tăng đến 30 - 40% thay vì mức 9% như hiện tại", ông Thúy thông tin.
Với Bắc Ninh, lao động trong DN sản xuất công nghiệp thời điểm tháng 6/2021 giảm xấp xỉ 25% so với cùng kỳ năm trước, dẫn đến chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm nay của tỉnh này chỉ tăng hơn 10%. Nếu không có làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư thì dự kiến sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng gần 20%.
Giải pháp hỗ trợ DN
Ông Thúy đưa ra một số kiến nghị các giải pháp hỗ trợ DN trong thời điểm khó khăn hiện nay. Thứ nhất là giải pháp hỗ trợ phòng chống dịch hiệu quả. Ưu tiên hàng đầu là phòng chống dịch và dập dịch Covid-19, đặc biệt tại những địa phương có dịch bùng phát như Bắc Giang, Bắc Ninh và các địa phương có quy mô kinh tế và khu công nghiệp tập trung lớn như TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương...
"Trong hơn 1 năm qua, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc phòng, chống dịch hiệu quả, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, với đợt dịch lần này, nhiều DN tại các khu công nghiệp với số lượng lao động lớn đã chịu ảnh hưởng nặng nề, từ đó tác động đến phát triển kinh tế của địa phương. Các cấp, các ngành, đặc biệt là Bộ Y tế cần phải tổng kết rút kinh nghiệm qua làn sóng dịch lần này diễn ra ở Bắc Giang, Bắc Ninh, từ đó xây dựng quy trình, phương án phòng chống dịch hiệu quả, đặc biệt đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt tại những nơi có các khu công nghiệp", ông Thúy đề xuất.
Về các giải pháp liên quan đến gói hỗ trợ DN tiếp tục vượt qua khó khăn, ông Thúy cho rằng, để tái cơ cấu nợ, hỗ trợ lãi suất cho DN, Ngân hàng Nhà nước cần sửa đổi bổ sung Thông tư 01/2020 theo hướng cho phép DN cơ cấu lại nợ vay, giãn nợ, các khoản nợ phát sinh trong năm 2020 và 2021, không chuyển nhóm nợ cho đến hết năm 2021; Chỉ đạo hệ thống ngân hàng hỗ trợ về vốn cho DN, giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới để DN khôi phục sản xuất kinh doanh.
Ngoài ra, cần sửa đổi bổ sung Nghị quyết 84 năm 2020 của Chính phủ về các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng mở rộng đối tượng được giảm lãi suất cho vay trực tiếp/gián tiếp.
Thêm vào đó, cần mở rộng đối tượng được miễn giảm thuế đối với việc miễn giảm thuế TNDN, thuế VAT, tiền thuê đất, thuế XNK...
Về dài hạn, ông Thúy cho biết cần có những chính sách mới để lôi kéo DN tham gia hiệu quả vào quá trình cơ cấu lại hoạt động kinh tế; hỗ trợ DN tiếp cận các kênh thông tin sản xuất và XNK, nhằm tìm kiếm thị trường; hỗ trợ DN hoạt động quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản trên môi trường số...