Chủ trì phiên họp thứ 16 Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo khẳng định, “một không khí phấn khởi đang lan tỏa trong toàn xã hội”. Mỗi lần họp Uỷ ban Kiểm tra hay tòa tuyên bố cái gì là nhân dân, dư luận rất quan tâm. Nhân dân luôn mong mỏi, thậm chí có phần lo lắng: "Liệu có duy trì được không, có tiếp tục làm mạnh được không hay là chùng xuống?". Đấy là tâm lý có thật, chính đáng, đấy cũng điều ta vui, là sự ủng hộ chúng ta, mong muốn chúng ta làm mạnh mẽ hơn nữa.
Nhân dân rất phấn khởi, tin tưởng vào cuộc chiến chống tham nhũng, công cuộc “đốt lò”. Ảnh: Lê Anh Dũng.
Nhận xét của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là rất chuẩn xác. Nhân dân rất phấn khởi, tin tưởng vào cuộc chiến chống tham nhũng, công cuộc “đốt lò”. Cứ mỗi khi có thêm quan chức tham nhũng bị “cho vào lò”, người dân cả nước lại thêm phấn khởi, tin tưởng. Trạng thái tâm lý đó là tất yếu, vì:
Tài sản của đất nước, mà suy cho cùng đều là của nhân dân bị đục khoét, bòn rút, chia chác. Trong khi người dân đang vật lộn với muôn vàn khó khăn để mưu sinh, thì “một bộ phận không nhỏ” quan chức sống xa hoa, hết dinh thự nọ đến biệt phủ kia; đua nhau cho con du học ở các nước tư bản giàu có…
Khi những người được nhân dân ủy thác quyền lực, trả lương để cùng hệ thống chính trị dẫn dắt đất nước tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh thì “bộ phận không nhỏ” này lại tìm mọi cách đục khoét vơ vét của dân, của nước, góp phần làm cho đất nước tụt hậu, làm cho xã hội bất công sâu sắc.
Và cũng chính những quan tham này khi chưa bị lột mặt nạ thì ở đâu họ cũng rao giảng đạo đức, nào là chống chuyên quyền, quan liêu, xa dân, thờ ơ, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của nhân dân; nào là kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; chống suy thoái, sa sút về phẩm chất đạo đức.
Tôi rất chia sẻ với trạng thái tâm lý của người dân nhưng ngẫm cho kỹ, hết lớp cán bộ này đến lớp cán bộ khác bị tù tội cũng là nỗi đau chung vì vừa mất mát cán bộ vừa bị bào mòn niềm tin.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, hơn 70 cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, bị thi hành kỷ luật đảng và xử lý hình sự. Cơ quan thanh tra, kiểm toán kiến nghị thu hồi, xử lý 61.392 tỷ đồng và 142 ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 692 tập thể và nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét xử lý 46 vụ, 73 đối tượng. Thanh tra Chính phủ tập trung thanh tra, ban hành kết luận thanh tra các dự án, vụ việc theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo.
Trong số mấy nghìn quan chức bị “cho vào lò”, có ngót nghét hàng trăm cán bộ cấp cao. Trong đó có cả Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, nhiều Ủy viên Trung ương, Bộ trưởng, gần 30 tướng lĩnh quân đội và công an …
Tại sao “lò” đã nóng mấy năm nay nhưng lớp “củi” này cho vào “lò” lại có lớp “củi” khác xuất hiện ? Phải chăng là do những nguyên nhân cơ bản dưới đây:
Thứ nhất: Quy trình lựa chọn cán bộ được khẳng định là rất công phu, chặt chẽ nhưng xem ra còn quá nhiều lỗ hổng, cho nên rất nhiều những kẻ cơ hội vẫn chui được vào bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị để trục lợi. Thậm chí không ít quan chức vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật nghiêm trọng vẫn chui sâu leo cao.
Thứ hai: Ít có quốc gia nào trên thế giới có hệ thống các trường chính trị, quản lý hành chính quy mô như ở Việt Nam, nơi đội ngũ cán bộ phải qua các chương trình đào tạo về chính trị, quản lý nhà nước trước khi được bổ nhiệm vị trí cao hơn. Phải chăng động cơ, ý thức học tập về các chuyên ngành của không ít cán bộ chưa phù hợp, không phải vì mục đích trui rèn kiến thức, phẩm chất chính trị, năng lực quản lý nhà nước, đạo đức phẩm chất?
Thứ ba: Phải chăng vai trò giám sát của Quốc hội, cơ quan tư pháp và của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc đối với hệ thống cơ quan hành pháp, hệ thống chính trị các cấp còn nhiều bất cập? Chính vì vậy mà vai trò trong phát hiện, ngăn chặn sai phạm của quan chức trong bộ máy hành pháp và hệ thống chính trị còn nhiều hạn chế?
Đơn cử, hàng loạt sai phạm nghiêm trọng về chuyển nhượng đất ở Đà Nẵng, Nha trang, TP. Hồ Chí Minh … dẫn đến những hậu quả nặng nề về kinh tế, chính trị, xã hội; người dân mòn mỏi khiếu kiện, khóc than hơn 20 năm qua.
Thứ tư: Phải chăng công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán theo kế hoạch ở tất cả các cấp chưa quyết liệt, còn bỏ qua sai phạm, ít khi phát hiện ra tham nhũng. Trong khi đó, hầu hết các vụ tham nhũng đều do nhân dân phát hiện hoặc do nội bộ tố cáo, báo chí phanh phui.
Thứ năm: Vai trò quản trị nhà nước đối với các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến kinh tế và các doanh nghiệp nhà nước còn nhiều bất cập, lỏng lẻo. Đây chính là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng phát triển. Cho nên trong các cơ quan quản lý nhà nước thuộc lĩnh vực kinh tế và doanh nghiệp nhà nước mới có nhiều cán bộ lãnh đạo sa ngã đến vậy.
Năm 2014, ông Phan Đăng Tuất lúc còn là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Rượu bia & Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đã cảnh báo: "Mâu thuẫn trong các doanh nghiệp nhà nước không bao giờ hết. Nếu Vinashin, Vinalines cổ phần hóa sớm thì quản lý nhà nước cũng đỡ vất vả. Mà không đẩy nhanh cổ phần hoá thì tôi e mấy năm tới, nhiều anh ở đây (dự Hội nghị) cũng lại phải “đi” thôi".[2]
Đúng như dự cảm của ông Phan Đăng Tuất, từ đó đến nay rất nhiều người, nặng thì trở thành bị can, bị cáo, phạm nhân; nhẹ thì bị kỷ luật, mất chức.
Thứ sáu: Theo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng XII, “đổi mới chính trị chưa đồng bộ với đổi mới kinh tế”. Liệu điều này có dẫn đến bất cập về thể chế và cơ chế quản lý kinh tế; hệ thống pháp luật thiếu động bộ, chồng chéo, nhiều lỗ hổng, là nguyên nhân hết lớp cán bộ này đến lớp cán bộ khác “sa chân”?
Mặt khác, khi nền kinh tế còn bị can thiệp, không vận hành đúng quy luật của nó, tình trạng xin-cho còn phổ biến nên tạo dư địa màu mỡ để quan chức thông đồng, bòn rút tài sản?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có khái quát về nguyên nhân tham nhũng chưa được ngăn chặn: “Thể chế, chính sách pháp luật trên một số lĩnh vực còn bất cập, tính khả thi không cao; chưa có cơ chế đủ mạnh để kiểm soát chặt chẽ quyền lực; công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn chưa được quan tâm thực hiện, nên dễ dẫn đến việc lạm quyền để trục lợi…” [4]
Bởi vậy, để nhân dân vững tin vào thành công của cuộc chiến chống tham nhũng, và để cuộc chiến này thắng lợi, mang lại hiệu quả dài lâu thì phải gắn liền cải cách kinh tế với cải cách thể chế, cải cách quản trị quốc gia; gắn liền phát triển kinh tế với xây dựng nhà nước pháp quyền.
Đây là những giải pháp hữu hiệu nhất mở đường cho kinh tế thị trường vận hành trơn tru và cũng là giải pháp hữu hiệu nhất để phát huy vai trò kiểm soát, giám sát lẫn nhau một cách thực chất của các cơ quan lập pháp, tư pháp, hành pháp trong bộ mày nhà nước.
Việt Nam là nền kinh tế chuyển đổi, còn đi sau về nhiều mặt nên cần tham khảo, tiếp thu tinh hoa của các nước phát triển về quản trị nền kinh tế thị trường và xây dựng nhà nước pháp quyền.