Đại dịch COVID-19 đang ảnh hưởng trầm trọng đến nền kinh tế các nước, trong đó có Việt Nam. Quý I/2020, tăng trưởng GDP của cả nước chỉ đạt 3,82%, TPHCM đầu tàu tăng trưởng kinh tế của cả nước tăng trưởng đã giảm sâu chỉ đạt 0,42% trong quý I, 5/9 ngành dịch vụ trọng yếu của Thành phố có mức tăng trưởng âm. Theo khảo sát của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng chính phủ, nếu đại dịch COVID-19 kéo dài trong 6 tháng thì 74% số doanh nghiệp được khảo sát có thể sẽ phải phá sản. Các dự báo quốc tế mặc dù đều đánh giá cao thành quả ứng phó với dịch bệnh của Việt Nam và khả năng hồi phục của nền kinh tế, song đều dự báo mức tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 chỉ đạt mức trên dưới 3%.
Trong bối cảnh đó, hôm 5/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra thông điệp của Chính phủ, theo đó Việt Nam quyết tâm đạt mức tăng trưởng trên 5% và duy trì mức lạm phát dưới 4% trong năm nay. Để đạt được mục tiêu này, vai trò của doanh nghiệp phải là yếu tố quyết định.
Thực tế bốn tháng đối phó với dịch bệnh, bên cạnh những khó khăn thách thức to lớn, nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang chứng kiến những “điểm sáng”, thể hiện khát vọng, trí tuệ và năng lực vượt khó của các doanh nghiệp Việt Nam, mà nguyên nhân sâu xa chính là “năng lực nội sinh”, khả năng phát huy nội lực của cả nền kinh tế. Hay nói chính xác hơn, đại dịch COVID-19 đã thực sự là thời cơ để doanh nghiệp Việt Nam phát huy nội lực, đổi mới tư duy, tăng khả năng thích ứng để phát triển bền vững.
Thứ nhất, nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, phụ thuộc vào thị trường bên ngoài cả về đầu vào và đầu ra, nhất là các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU. Khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, thị trường bên ngoài hầu như bị đóng băng, các doanh nghiệp bị đình đốn hoặc phải giảm sản lượng, những cảnh báo về sự phụ thuộc quá mức vào thị trường bên ngoài đã bộc lộ hơn bao giờ hết. Bây giờ là lúc, các doanh nghiệp Việt Nam phải tái cấu trúc lại thị trường cả đầu vào và đầu ra. Đây là cơ hội tuyệt vời để các doanh nghiệp phát huy nội lực của thị trường trong nước. Một khi thị trường trong nước được củng cố, nhất là thị trường phục vụ sản xuất đầu vào, đến khi nền kinh tế mở cửa trở lại, chắc chắn chúng ta sẽ có một diện mạo mới, năng lực nội sinh mới, để mở rộng hội nhập quốc tế. Cách tiếp cận này không phải chỉ có Việt Nam, mà hiện nay nhiều quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 cũng đang thực hiện.
Thứ hai, phát huy nội lực của các doanh nghiệp và cả nền kinh tế, cũng có nghĩa là cần cấu trúc lại sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và ngành nghề, lĩnh vực sản xuất của cả nền kinh tế. Hơn ba tháng dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đứng vững do đã nhanh chóng cấu trúc lại sản phẩm phục vụ thị trường trong nước hoặc các sản phẩm thiết yếu để xuất khẩu. Đây cũng là cơ hội để một số ngành nghề phát triển, thậm chí có bước đột phá mới như các lĩnh vực liên quan đến chăm sóc sức khỏe (vật tư y tế, dược phẩm. dịch vụ y tế…), thương mại điện tử, thiết kế phần mềm và viễn thông…
Thứ ba, đại dịch COVID-19 lại một lần nữa khẳng định vị trí, vai trò “bệ đỡ” của ngành nông nghiệp trong nền kinh tế Việt Nam. Trong hoàn cảnh “chống dịch COVID-19 như chống giặc”, nông nghiệp-nông thôn Việt Nam đã trở thành “hậu phương” vững chắc cho việc bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm và các nhu cầu thiết yếu cho đời sống của gần 100 triệu người. Hơn thế, đây cũng là thời cơ để nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thiết yếu như gạo, rau, gỗ và sản phẩm gỗ… Theo Tổng cục Thống kê, quý I/2020, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của cả nước đạt 9,06 tỷ USD, tương đương cùng kỳ năm 2019. Khi thị trường bên ngoài được khơi thông, chắc chắn nông nghiệp Việt Nam sẽ có bước phát triển mới, khai thác tốt hơn lợi thế sẵn có để nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị phần.
Thứ tư, trước đại dịch COVID-19, tính năng động, sáng tạo của người Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp với hoạt động đổi mới sáng tạo gắn với nền kinh tế số, là một lợi thế to lớn. Những thành quả trong kỹ thuật y tế để đối phó với dịch COVID-19 (nhận diện gene virus Corona, chế tạo thành công kit xét nghiệm COVID-19, chế tạo người máy phục vụ phòng bệnh, chế tạo thiết bị khử trùng tay tự động…), những sáng kiến trong việc lắp đặt ATM gạo, ATM sách, sản phẩm bánh mì thanh long, mì sợi thanh long.. là những minh chứng sinh động. Phát triển nền kinh tế số nhằm đưa hoạt động đổi mới sáng tạo ngày càng mạnh mẽ, rộng khắp trong các doanh nghiệp, các lĩnh vực kinh tế, sẽ là động lực quan trọng nhằm phát huy nội lực trí tuệ và nguồn lực của đất nước trong thời kỳ hậu COVID-19.
Thứ năm, phát huy nội lực của nền kinh tế cũng thể hiện trong các quyết sách của Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế. Giải ngân kịp thời các gói đầu tư công năm 2020 cũng như các nguồn tín dụng: Gói hỗ trợ doanh nghiệp 300.000 tỷ đồng, gói tài khóa 180.000 tỷ, gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ, gói giảm giá điện 11.000 tỷ… không chỉ kích thích chi tiêu, đầu tư và tăng trưởng mà còn tạo tiền đề, điều kiện để nâng cao nội lực cho nền kinh tế. Có thể nói, đó chính là phát huy nội lực từ quyết sách trong lãnh đạo và thực thi chính sách.
Trong bối cảnh của đại dịch COVID-19, phát huy nội lực chính là điều kiện cơ bản để các doanh nghiệp và nền kinh tế vượt qua khó khăn. Quan trọng hơn, trong dài hạn, gia tăng nội lực của nền kinh tế cũng chính là chuẩn bị các điều kiện cần thiết để nền kinh tế Việt Nam tiếp tục mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế một cách mạnh mẽ và hiệu quả hơn, khi đại dịch COVID-19 được đẩy lùi.
Theo PGS.TS Nguyễn Chí Hải
"https://thuonghieucongluan.com.vn/kinh-te-viet-nam-phat-huy-noi-luc-de-phat-trien-ben-vung-a97919.html"