Không có kỳ lân mới xuất hiện trong quý I/2024

19/04/2024 08:55

Báo cáo của Tracxn cho biết, thị trường fintech Đông Nam Á không ghi nhận thêm bất kỳ kỳ lân nào trong quý I/2024.

Tracxn, nền tảng dữ liệu thị trường tư nhân hàng đầu theo dõi các công ty trên toàn cầu, cho biết thêm nguồn tài trợ của quý I/2024 cũng giảm 44% so với mức 939 triệu USD huy động được trong quý trước đó.

Không có kỳ lân mới xuất hiện trong quý I/2024- Ảnh 1.

 

Việc giảm nguồn tài trợ phần lớn là do sự sụt giảm nguồn tài trợ ở giai đoạn cuối, giảm 64% từ 758 triệu USD trong quý 4/2023 xuống còn 270 triệu USD trong quý I/2024, giảm 40% so với số tiền 447 triệu USD huy động được trong quý đầu tiên của năm 2023.

Cũng theo báo cáo, thị trường fintech Đông Nam Á không ghi nhận thêm bất kỳ kỳ lân nào trong quý I/2024. Bên cạnh đó, hệ sinh thái khởi nghiệp fintech Đông Nam Á không chứng kiến bất kỳ đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) nào trong ba tháng đầu năm 2024, tương tự như cả quý 1/2023 và quý 4/2023.

Tuy nhiên, số vụ mua lại đã tăng lên 10 thương vụ trong quý đầu tiên năm 2024, từ 6 vụ trong quý IV/2023 và 5 vụ trong quý I/2023.

Công nghệ ngân hàng, cho vay thay thế và tiền điện tử là những phân khúc được tài trợ nhiều nhất trong quý đầu tiên của năm 2024. Cụ thể, các công ty trong lĩnh vực công nghệ ngân hàng đã thu về khoản tài trợ 180 triệu USD trong quý đầu tiên năm 2024, so với 108 triệu USD huy động được trong quý trước và chỉ 5,5 triệu USD huy động được trong quý đầu tiên năm 2023.

Tại Việt Nam, trong năm 2023, lần lượt 3 "kỳ lân" là Zoomcar, Atome và Beamin đã phải dừng cuộc chơi ở thị trường Việt Nam vì nhiều lý do khác nhau. Với việc nền kinh tế thế giới và Việt Nam vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong năm 2024, không loại trừ khả năng sẽ có thêm "kỳ lân" rơi rụng khỏi thị trường Việt Nam.

Hiện tại, đang có rất nhiều "kỳ lân" trên khắp thế giới hoạt động ở thị trường Việt Nam, ví dụ như Kredivo, Traveloka, GoTo - Gojek (Indonesia); Insider, Carousell – Chợ Tốt, Grab, Ninja Van (Singapore), YOY (Ấn Độ)…

Báo cáo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) về Hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ của Việt Nam dự báo, thời gian tới những “kỳ lân” khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tiếp theo của châu Á - Thái Bình Dương có thể đến từ Việt Nam, khi nền móng để xây dựng một hệ sinh thái vững chắc có thể hỗ trợ những doanh nghiệp này đang được tiến hành thuận lợi. Đặc biệt, khi mục tiêu dài hạn của Chính phủ Việt Nam là thu hút tri thức, các tổ chức, cá nhân và doanh nhân góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế và tham gia tạo lập các công ty khởi nghiệp thành công.

Mặc dù trở thành “kỳ lân” là một trong những ưu tiên hàng đầu của các startup, tuy nhiên theo các chuyên gia, để đạt đến ngưỡng “kỳ lân” cũng đồng nghĩa là startup đã phát triển đến một quy mô và giá trị lớn, thu hút được nhiều vốn đầu tư và đã khẳng định được vị thế, thương hiệu của mình trên thị trường trong nước và quốc tế, song điều này không phải là vấn đề đơn giản. Bởi, để trở thành startup “kỳ lân” với định giá doanh nghiệp trên 1 tỷ USD đòi hỏi các doanh nghiệp phải có sự phát triển mạnh mẽ, vượt lên chính mình để đạt được những thành quả vượt trội.

Để tạo ra các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, “kỳ lân” công nghệ, đòi hỏi cần có thêm thời gian tích lũy. Ở giai đoạn đầu của quá trình đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp cần có sự tham gia hỗ trợ rất mạnh mẽ của Chính phủ. Tuy nhiên, đến giai đoạn tiếp theo, vai trò của khu vực tư nhân và các doanh nghiệp cần sâu sắc hơn. Kỳ vọng đến năm 2030, Việt Nam sẽ xuất hiện thêm nhiều “kỳ lân” và hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp cũng thay đổi rất nhanh với tốc độ cấp số nhân, góp phần đưa đất nước vươn lên, sánh vai với các cường quốc phát triển trong khu vực và thế giới.

Minh An (t/h)
Bạn đang đọc bài viết "Không có kỳ lân mới xuất hiện trong quý I/2024" tại chuyên mục CÔNG NGHỆ.