Không chờ Covid-19 qua đi mới thực hiện các chuyến đi XTTM

29/06/2020 23:26

Trước câu hỏi của Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam về lý do tại sao ngân sách dành cho hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) ngày càng giảm đi trong khi xuất khẩu ngày càng tăng lên, Cục trưởng Cục XTTM cho rằng, công tác XTTM ngày càng hiệu quả và sáng tạo so với trước đây mới là câu trả lời hợp lý nhất.

Tại Hội nghị “Tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA: Cơ hội phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam sau cú sốc Covid-19” diễn ra sáng 29.6 tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) khẳng định, giữa Cục XTTM và VINASME đã có sự phối hợp với nhau trong vòng 20 năm qua nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

Tuy nhiên, Chủ tịch VINASME đặt câu hỏi "Tại sao ngân sách của Nhà nước dành cho hoạt động XTTM ngày càng đi xuống, trái với quy luật, và chuẩn bị về 0?"

Ông Vũ Bá Phú (ngoài cùng bên trái) và ông Nguyễn Văn Thân (thứ ba từ phải sang) 
tại Hội nghị “Tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA: Cơ hội phát triển
 cho doanh nghiệp Việt Nam sau cú sốc Covid-19”

 

Trả lời câu hỏi này, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại khẳng định rằng "chắc chắn không phải như vậy nhưng câu trả lời hợp lý nhất là hiệu quả và sự sáng tạo của công tác xúc tiến thương mại ngày càng tăng lên với trước đây".

Theo ông Vũ Bá Phú, ngày 06/7 tới, Cục XTTM sẽ kỷ niệm 20 năm thành lập, đây là chặng đường tuy ngắn so với tuổi đời của con người nhưng là nỗ lực, cố gắng của bao thế hệ đã cống hiến cho hoạt động XTTM. Chính điều này đã dẫn đến chuyện kinh phí cho hoạt động XTTM ngày càng giảm đi trong khi kim ngạch xuất khẩu ngày một tăng lên.

Ngân sách giảm đi nhưng sáng tạo tăng lên

Chia sẻ về những sáng tạo trong công tác XTTM, ông Vũ Bá Phú cho biết, qua nghiên cứu cho thấy, không chỉ ở trong nước mà ở cả nước ngoài, hoạt động XTTM chủ yếu phục vụ cho cộng đồng DNNVV bởi những DN này có nhiều hạn chế như khó khăn trong tiếp cận nguồn lực thông tin về thị trường, về mặt hàng, về danh sách các nhà nhập khẩu và xuất khẩu; hạn chế về tài chính để trực tiếp tham gia hoặc tổ chức các sự kiện XTTM ở nước ngoài. Do vậy, DNNVV rất cần sự hỗ trợ từ Chính phủ.

Ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh, không phải đợi đến EVFTA, Cục XTTM mới làm việc mà thực tế đơn vị đã miệt mài làm việc và đồng hành với các hiệp hội doanh nghiệp trong suốt 20 năm. Chính vì vậy, sự thành công của các ngành có được như ngày hôm nay có một phần công sức nhỏ bé của hoạt động XTTM.

"Tuy nhiên, khi đi vào thực hiện EVFTA, chúng tôi nhận thấy rằng có một số ngành Việt Nam có lợi thế lớn như dệt may, da giày, nông - thủy sản. Các DN cần phải làm sao đó để tận dụng tốt hơn nữa hiệu quả đã đạt được trước đây. Chúng tôi sẽ cung cấp thông tin tốt hơn thông qua hệ thống thương mại điện tử, nền tảng kỹ thuật số, qua đó giảm chi phí hoạt động XTTM cho các DNNVV. Chúng tôi sẽ có các chương trình XTTM lồng ghép với nhau trong cùng thời điểm để có thể nâng cao hiệu quả cho hoạt động XTTM", ông Vũ Bá Phú nói.

Theo chia sẻ của ông Vũ Bá Phú, trong thời gian qua, khi những chuyến đi không thể thực hiện được đại dịch Covid-19, Cục XTTM và Bộ Công Thương đã tổ chức hàng trăm cuộc giao thương trực tuyến. Có thể nói Việt Nam là một trong số những nước đầu tiên trên thế giới tổ chức các hội nghị giao thương trực tuyến nhằm kết nối nhu cầu của doanh nghiệp các bên với mức phí thu của DN mang tính rất tượng trưng, chỉ 1,5 triệu/DN cho mỗi cuộc giao thương. Và thực tế, thống kê của Cục XTTM cho thấy, tỷ lệ giao thương thành công của doanh nghiệp đạt trên 50%.

Trong bối cảnh hậu Covid-19, các thị trường, đặc biệt là thị trường EU sẽ có những điều chỉnh đáng kể. Ở quy mô lớn hơn, sẽ có những điều chỉnh và dịch chuyển của các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị. Những điều chỉnh này cùng với cơ hội của Hiệp định EVFTA đặt ra yêu cầu đối với công tác XTTM cần thích ứng kịp thời, có những hoạt động cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội của EVFTA.

Nhận thức rõ điều này, Cục XTTM đã lựa chọn trọng tâm cho giai đoạn 2021-2025 về Xuất khẩu bền vững với các mục tiêu và định hướng chính bao gồm: Hình thành hệ thống nghiên cứu và cung cấp thông tin thị trường chuyên sâu cho một số ngành hàng chủ lực; Giữ vững sự đa dạng thị trường và tăng dần tỷ trọng tại các thị trường cao cấp và các nhóm sản phẩm chất lượng cao; Nâng cao năng lực cho các hiệp hội ngành hàng và các cơ quan XTTM; Lồng ghép được các hình thức XTTM để đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực XTTM và tạo hiệu ứng lan toả trong hoạt động xuất khẩu.

Theo Minh Thu

"https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/khong-cho-covid-19-qua-di-moi-thuc-hien-cac-chuyen-di-xttm/20200629030713062"