Khách hàng cần lưu ý khi giao dịch thanh toán điện tử dưới mọi hình thức

08/04/2020 18:35

Từ giả mạo thương hiệu, người thân, cán bộ ngân hàng, nhân viên bưu điện, cơ quan thực thi pháp luật… đến thiết lập những website, ví điện tử, tài khoản ứng dụng công nghệ cao, kẻ gian đã dựng lên nhiều kịch bản để lừa đảo đánh cắp thông tin tài khoản, tiền bạc của khách hàng.

Nhà bán hàng online - đích ngắm mới của tội phạm ngân hàng

Thời gian gần đây, Agribank liên tục đưa ra các cảnh báo với khách hàng về thủ đoạn của bọn tội phạm công nghệ cao liên tiếp dùng các thủ đoạn lừa đảo tinh vi lợi dụng thông tin lừa cung cấp mã OTP, hoặc yêu cầu đăng nhập vào các trang web giả mạo để chiếm đoạt tiền từ tài khoản của khách hàng và gây tổn hại đến uy tín của các ngân hàng.

Tuy nhiên tình trạng lừa đảo này vẫn chưa được ngăn chặn, tiếp tục tái diễn, mới đây nhất, một nhà bán hàng online ở Hà Nội đã bị kẻ gian dẫn dắt nhằm mục đích lừa đảo, sa bẫy của bọn tội phạm.

Chị C (Hà Nội), thường xuyên làm việc bán hàng online nhất là trong thời gian phòng chống dịch bệnh covid - 19. Mới đây, trong một lần thực hiện giao dịch với khách hàng, chị đã chủ động yêu cầu khách hàng phải chuyển tiền trước rồi mới giao hàng. Kẻ gian thông báo đã chuyển cho chị qua ví điện tử, và chị vào trang website (trangdientu.com) trên để xác nhận nhận tiền. Tuy nhiên, đây là một trang website lừa đảo, yêu cầu chị xác nhận username/mật khẩu đăng nhập vào Internet Banking/Mobile Banking và từng bước xác thực nhập SMS OTP báo về điện thoại và bị rút tiền.

Điều đáng nói, tuy là “nhận tiền” vào tài khoản, nhưng các bước thực hiện của chị C chính là thao tác “rút tiền” từ tài khoản của chính mình.

Không chỉ thông qua trang website giả mạo thương hiệu Ngân hàng, kẻ gian còn tạo lập giả mạo các trang website nhận tiền kiều hối Western Union (WU), giả vờ đã chuyển tiền mua bán hàng hóa từ nước ngoài về qua dịch vụ WU, hướng khách hàng quy đổi ngoại tệ qua website giả mạo, lừa gạt lấy tiền của người bán hàng online.

Khách hàng cần lưu ý khi giao dịch thanh toán điện tử dưới mọi hình thức

 

Thủ đoạn cũ - Chiêu thức mới và tinh vi hơn

Thực tế đã có nhiều trường hợp, đối tượng lừa đảo thường gọi đến số điện thoại của nạn nhân và nói có liên quan đến một tổ chức tội phạm (đa số có liên quan đến tổ chức mua bán ma túy) mà cơ quan công an đang điều tra, xác minh, yêu cầu chuyển tiền. Khi nạn nhân chuyển tiền, đối tượng lừa đảo sẽ rút hết hoặc chuyển vào tài khoản ngân hàng khác ở nước ngoài, tắt điện thoại và không liên lạc được.

Theo đó, ngày 25/3, chị H (Bắc Giang) nhận được điện thoại từ số máy lạ +882363822300, 0348010030 nói rằng đây là số máy của công an ở TP Đà Nẵng đang điều tra về một đường dây buôn bán ma túy, trong đó chị H có liên quan.

Để khẳng định không tham gia vào đường dây này, chị H phải chuyển ngay hơn 940 triệu đồng vào tài khoản của một ngân hàng tại Đà Nẵng, nếu không sẽ bị bắt. Từ đó, đối tượng liên tục điện thoại hối thúc chị chuyển tiền.

Để chứng minh mình không liên quan đến đường dây buôn bán trên, chị H vội vàng qua Agribank tỉnh Bắc Giang để rút sổ tiết kiệm chuyển khoản. Nhận biết đây là một trong những chiêu thức lừa đảo, lãnh đạo Agribank Chi nhánh tỉnh Bắc Giang đã chủ động mời công an TP Bắc Giang đến làm việc, hướng dẫn chị H lên phòng chức năng của Công an tỉnh Bắc Giang để được giúp đỡ. Kể từ đó, số điện thoại kia cũng không liên lạc với chị H nữa. 

Nhờ thường xuyên được cập nhật những chiêu thức về việc khách hàng bị lừa đảo, nên rất nhiều chi nhánh trong hệ thống của Agribank đã hỗ trợ được khách hàng của mình không bị mất tiền, không rơi vào bẫy của tội phạm. Từ đầu năm đến nay, Agribank chi nhánh Tuyên Quang đã giúp 03 khách hàng của mình thoát khỏi những chiêu thức lừa đảo tại sân bay. Thủ đoạn cũ nhưng chiêu thức ngày càng tinh vi hơn.

Cụ thể, vào ngày 02/04/2020, chị H.T.T đến PGD Đầm Hồng thuộc Agribank chi nhánh Tuyên Quang để làm thủ tục vay vốn với khoản tiền 25 triệu để bảo lãnh nhận hàng do người quen gửi từ nước ngoài về tại sân bay Tân Sơn Nhất. Đối tượng yêu cầu chị chuyển khoản vào số tài khoản mang tên Huỳnh Thị Ngân số tài khoản: 0481000915595 mở tại Vietcombank Đồng Nai gấp, không là không nhận được hàng ở sân bay.

Nhận thấy khách hàng này lại đang có thể rơi vào tình cảnh bị lừa đảo qua mạng như rất nhiều trường hợp khách đã từng bị, và cũng giống như rất nhiều các trường hợp đã được Agribank cảnh báo, khuyến cáo đến các khách hàng các hình thức lừa đảo của các đối tượng lừa đảo chuyên nghiệp đang diễn ra trong thời gian vừa qua. Giao dịch viên phòng giao dịch Đầm Hồng đã báo cáo sơ bộ nội dung cho Giám đốc phòng Giao dịch để nắm bắt tình hình để cùng tư vấn giải thích cho khách hàng hiểu và biết về các thủ đoạn lừa đảo có thể gây mất tiền của khách hàng.

Sau khi giải thích, tư vấn cho khách, khách hàng đã gọi đến số điện thoại 0397593516 để nói chuyện và bảo là nói chuyện với người nhà để giải thích và cho thông tin cụ thể lại thì đối tượng ấp úng quanh co đang nói lập tức tắt máy điện thoại và từ lúc đó số điện thoại 0397593516 không gọi lại được. Thủ đoạn lừa đảo này tuy đã được các Ngân hàng khuyến cáo rất nhiều, tuy nhiên còn rất nhiều người dân còn chưa nắm bắt được thông tin vì thế đã mất tiền cho các đối tượng lừa đảo.

“Tôi thực sự rất may mắn đã được cô chú cán bộ Agribank hỗ trợ cảnh tỉnh tôi kịp thời, giúp tôi không bị mất tiền trong khi gia đình cũng không có điều kiện, phải đi vay vốn để gửi. Đây chính là bài học cảnh giác đối với tôi, gia đình tôi và tất cả moi người.” Chị H.T.T chia sẻ.

Nhận diện các chiêu lừa đảo tinh vi của tội phạm ngân hàng

Agribank khuyến cáo, cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, các chiêu thức lừa đảo ngày càng tinh vi hơn. Theo đó, Agribank chia ra thành 5 nhóm đối tượng lừa đảo chính như sau:

1. Giả mạo thương hiệu, website ngân hàng, ví điện tử với ứng dụng công nghệ cao gửi tin nhắn, email có chứa link lừa đảo yêu cầu khách hàng truy cập để giao dịch, nhập các thông tin cá nhân để xác nhận thanh toán hàng hoá (mua bán online), nhận tiền từ nước ngoài (Western Union), nhận quà tặng, cho vay nhanh,... 

2. Giả mạo cán bộ ngân hàng, tổng đài chăm sóc khách hàng, gọi điện yêu cầu khách hàng cung cấp các thông tin cá nhân, tài khoản, thẻ,... để nhận tiền, nhận quà trúng thưởng.

3. Giả mạo cơ quan chức năng (toà án, công an,...) gọi điện đe doạ khách hàng có liên quan đến vụ án, đường dây tội phạm và yêu cầu chuyển tiền đến tài khoản gian lận để phục vụ điều tra vụ án.

4. Giả mạo người thân bạn bè nhờ mua thẻ điện thoại, mượn tiền, thanh toán chuyển khoản đến tài khoản gian lận do bị hack Facebook, Messenger, Zalo...

5. Giả mạo tài khoản, làm quen nhờ mở tài khoản/thẻ/đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử hoặc mua lại với giá cao để sử dụng vào mục đích lừa đảo.

Tất cả các chiêu thức lừa đảo nói trên đều vì một mục đích đánh cắp thông tin để chiếm đoạt tiền của khách hàng, Agribank khuyến cáo khách hàng: 

1. Tuyệt đối không truy cập và thực hiện giao dịch thanh toán, mua bán, nhận tiền, vay tiền trên các link, website lạ được nhận qua tin nhắn, email. 

2. Không cung cấp các thông tin như mật khẩu, số thẻ, mã PIN, mã OTP cho bất kỳ ai, kể cả cán bộ ngân hàng. 

3. Không cho mượn/thuê hoặc mua bán thông tin cá nhân/số tài khoản có đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử để sử dụng vào mục đích lừa đảo. 

4. Không nạp tiền/chuyển khoản cho người lạ hoặc có dấu hiệu nghi vấn. Cán bộ Agribank và các cơ quan chức năng không bao giờ yêu cầu khách hàng chuyển tiền hay cung cấp thông tin qua email hoặc điện thoại. 

5. Khi bạn gặp các nghi vấn trên, vui lòng liên hệ ngay với cơ quan chức năng, đồng thời thông báo cho Agribank qua Hotline: 1900 558818 hoặc các điểm giao dịch của Agribank gần nhất để được hỗ trợ.

Theo Thùy Trang

"https://thuonghieucongluan.com.vn/khach-hang-can-luu-y-khi-giao-dich-thanh-toan-dien-tu-duoi-moi-hinh-thuc-a93477.html"