Thông tin từ Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro), tính đến 15h ngày 8/8, đã có hơn 12.600 hành khách trải nghiệm đoạn trên cao tuyến đường sắt đô thị thí điểm của thành phố, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội.
Theo đó, tuyến tàu mở cửa đón khách từ 8h sáng ngày 8/8 đoạn trên cao từ Nhổn đến ga S8 dài 8,5km. Trong 15 ngày đầu tuyến đi vào khai thác thương mại, toàn bộ hành khách được phục vụ miễn phí theo Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội.
Để phục vụ vận hành các đoàn tàu, trong ngày 8/8, cả chủ đầu tư là Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) và đơn vị vận hành là Hanoi Metro đã huy động hơn 300 nhân lực gồm cán bộ, kỹ sư, nhân viên lái tàu, nhân viên điều phối tại 8 ga của đoạn trên cao hướng dẫn, phục vụ người dân tiếp cận ga, lên tàu.
Liên quan đến câu hỏi của nhiều hành khách về việc "có được sử dụng vé tàu Cát Linh - Hà Đông để đi tàu Nhổn - ga Hà Nội hay không?", ông Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Hanoi Metro cho hay, tạm thời chưa được liên kết.
Hà Nội đang xây dựng đề án dùng một vé điện tử để có thể sử dụng các loại hình giao thông công cộng khác nhau. Hiện đang áp dụng thí điểm với tuyến BRT.
Bên phía công ty sẽ kết hợp với Sở GTVT Hà Nội và các đối tác để đẩy nhanh việc triển khai tích hợp vé điện tử dùng chung, với mục tiêu tiện lợi nhất, an toàn nhất, văn minh hiện đại nhất.
Trong 3 tháng đầu, đơn vị vận hành sẽ thực hiện mở tuyến lúc 5h30; đóng tuyến lúc 22h. Thời gian giãn cách chạy tàu đều đặn 10 phút/chuyến để phục vụ người dân.
Sau 15 ngày miễn phí, tuyến Nhổn - Ga Hà Nội sẽ áp dụng chính sách giá vé tương tự tuyến Cát Linh - Hà Đông. Cụ thể, giá vé 8.000 đồng là thấp nhất và đi cả tuyến là 12.000 đồng, đi cả ngày không giới hạn số tuyến là 24.000 đồng. Giá vé phổ thông 200.000 đồng/tháng; học sinh, sinh viên 100.000 đồng/tháng; với giá tập thể từ 30 người mua trở lên là 140.000 đồng. Chính sách miễn phí sẽ áp dụng cho trẻ em dưới 6 tuổi và những người trên 60 tuổi, ngoài ra còn có người có công, người trên 60 tuổi, người khuyết tật… cũng được miễn phí đi tàu.
Hà Nội có 9 tuyến đường sắt đô thị
Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2010 đến 2030 tầm nhìn 2050 thành phố Hà Nội thực hiện và đưa vào sử dụng 9 tuyến đường sắt đô thị. Bao gồm: Cát Linh - Hà Đông (tuyến số 2A), Nhổn - ga Hà Nội (tuyến số 3), Yên Viên - Ngọc Hồi (tuyến số 1), Mê Linh - Sài Đồng (tuyến số 4), Văn Cao - Hòa Lạc (tuyến số 5), Nội Bài - Ngọc Hồi (tuyến số 7), Mê Linh - Hà Đông (tuyến số 8); Sơn Động - Mai Dịch - Dương Xá (tuyến số 9)... Đến nay sau 14 năm thực hiện quy hoạch trên, Hà Nội đã đưa vào sử dụng 2 dự án, gồm Cát Linh - Hà Đông (tuyến số 2A) và đoạn trên cao Nhổn - ga Hà Nội (tuyến số 3).