Hậu COVID, ai dễ mắc COVID kéo dài? Những người có 4 dấu hiệu sau cần đặc biệt cẩn trọng

12/02/2022 10:31

Một nghiên cứu mới từ Mỹ đã phát hiện ra 4 yếu tố nguy cơ của COVID kéo dài – nghĩa là những người có dấu hiệu này dễ mắc COVID kéo dài hơn.

Jamie Cantrell là một trong những ví dụ điển hình về bệnh nhân mắc COVID kéo dài. Cantrell là một nhân viên marketing 44 tuổi đến từ Lewisville, Texas, Mỹ, đồng thời rất đam mê chạy bộ.

Cô đang tập luyện để chuẩn bị cho một cuộc chạy marathon thì một cơn đau đầu bất thường xuất hiện khiến cô phải đi gặp bác sĩ.

Cantrell nhận kết quả xét nghiệm COVID-19 dương tính sau đó, nhưng cô được phép cách ly tại nhà và tiếp tục làm việc bình thường.

Hậu COVID, ai dễ mắc COVID kéo dài? Những người có 4 dấu hiệu sau cần đặc biệt cẩn trọng - Ảnh 1.

COVID kéo dài có thể ảnh hưởng tới 40% bệnh nhân

Vài tuần sau khi hồi phục, Cantrell trở lại chạy, đó là lúc cô bắt đầu cảm thấy tê chân. Nghi ngờ giày không vừa, cô mua một đôi mới và tiếp tục chạy. Nhưng cảm giác tê bì cứ lan dần ra khắp chân. Cuối cùng, Cantrell được chẩn đoán mắc bệnh dây thần kinh ảnh hưởng tới toàn cơ thể.

Cantrell là một trong số hàng triệu người mắc COVID kéo dài, có thể ảnh hưởng đến 40% số người phục hồi sau COVID-19.

Cho đến gần đây, vẫn còn rất ít nghiên cứu về những đối tượng có nguy cơ cao mắc COVID kéo dài. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới công bố đã tìm ra những yếu tố có thể góp phần gây ra COVID kéo dài, còn được gọi bằng thuật ngữ y học là PASC (di chứng sau cấp tính của COVID-19).

Các nhà nghiên cứu đã xác định 4 yếu tố nguy cơ chính của PASC:

- Sự hiện diện của các tự kháng thể cụ thể

- Tải lượng virus (RNA) cao

- Bệnh tiểu đường loại 2

- Sự tái hoạt động của virus Epstein-Barr, loại virus ẩn mình trong máu của hầu hết mọi người sau những căn bệnh nhiễm trùng thời thơ ấu

Tiến sĩ Jim Heath, chủ tịch của Viện Sinh học Hệ thống ở Seattle, Mỹ, là nhà khoa học điều tra chính của nghiên cứu. Ông cho biết nghiên cứu có sự tham gia của gần 300 bệnh nhân, trong đó chỉ một vài người có một trong bốn yếu tố trên. Những người còn lại có ít nhất hai yếu tố nguy cơ.

Ông nói: "Chúng tôi đã thấy sự xuất hiện đồng thời của các yếu tố nguy cơ gây ra PASC, nhưng chúng tôi không biết liệu điều đó có thể dẫn đến COVID kéo dài nghiêm trọng hơn hay không".

Hậu COVID, ai dễ mắc COVID kéo dài? Những người có 4 dấu hiệu sau cần đặc biệt cẩn trọng - Ảnh 3.

Một nghiên cứu mới công bố đã tìm ra những yếu tố có thể góp phần gây ra COVID kéo dài

Giải thích chi tiết 4 yếu tố nguy cơ của COVID kéo dài

Tiến sĩ Heath giải thích: "Khi chúng tôi thực hiện một nghiên cứu quy mô ở mức này, bạn sẽ có khá nhiều người mắc tiểu đường loại 2. Chúng tôi không thể kết luận rằng bản thân bệnh tiểu đường khiến bạn có nguy cơ mắc COVID kéo dài cao hơn hay là do nhiều bệnh nền đi kèm với nó".

Yếu tố nguy cơ "tải lượng virus cao" cũng nằm trong dự đoán, đặc biệt khi hầu hết những người tham gia nghiên cứu đều là bệnh nhân COVID-19 giai đoạn đầu, trước khi vaccine được sử dụng phổ biến.

Tiến sĩ Heath nói: "Tải lượng virus cao trong máu có thể cho thấy người này nhiễm COVID nặng và điều đó có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến quá trình hồi phục lâu dài của bệnh nhân khỏi căn bệnh này. Những dấu hiệu virus này cho chúng tôi biết rằng vaccine và việc sử dụng sớm thuốc chống virus có thể tạo ra sự khác biệt trong PASC".

Yếu tố nguy cơ thứ ba, tự kháng thể, về cơ bản đối lập với kháng thể. Các tự kháng thể tấn công protein của chính bạn thay vì các mầm bệnh ngoại lai, làm thay đổi phản ứng miễn dịch. Trong khi mọi người đều có tự kháng thể, những người có mức tự kháng thể cao sẽ không phản ứng tốt với bệnh nặng như những người có mức tự kháng thể bình thường.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng yếu tố nguy cơ cuối cùng, virus Epstein-Barr (EBV), có mối liên hệ chặt chẽ với các triệu chứng thần kinh thường liên quan đến COVID kéo dài.

"Giả thuyết của tôi là hầu hết chúng ta đều có EBV tiềm ẩn trong máu và khi bạn bị nhiễm COVID, hệ thống miễn dịch đột nhiên chú ý rất nhiều đến loại virus mới này", Heath nói. "Sau đó, nó sẽ kích hoạt lại EBV".

Điều này giải thích trường hợp COVID kéo dài của Cantrell.

Cô nói: "Tôi đang làm việc với một bác sĩ đa khoa và anh ấy đã kiểm tra một số thứ, trong đó có EBV, kết quả cho thấy virus EBV ở mức cao. COVID kéo dài ban đầu của tôi biểu hiện như bệnh dây thần kinh cảm giác sợi nhỏ, và bệnh thuyên giảm trong vài tháng vào mùa hè năm ngoái".

Tuy nhiên, vào tháng 10, Cantrell bị nhiễm trùng xoang và bắt đầu cảm thấy buồn nôn, chóng mặt và nhịp tim đập nhanh. Bây giờ cô được chẩn đoán mắc POTS, hoặc hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng, một căn bệnh khác thường gặp ở bệnh nhân COVID-19 kéo dài.

"Tôi đã phải xác định lại những gì tôi có thể làm và không thể làm", cô nói. "Nhưng cùng với bác sĩ, chúng tôi đang tìm hiểu sâu hơn để tìm ra nguyên nhân gốc rễ gây ra căn bệnh của tôi".

Điều trị càng sớm càng tốt

Mặc dù nghiên cứu mới có quy mô nhỏ, nhưng đây là bước quan trọng đầu tiên trong việc xác định những đối tượng có thể dễ mắc COVID kéo dài hơn.

"Đối với hầu hết các tình trạng mà chúng tôi đã xác định là có liên quan đến COVID kéo dài, chúng đều có phương pháp điều trị", Tiến sĩ Heath nói. "Thật đáng kinh ngạc khi nghĩ rằng chúng tôi có thể sớm xác định được ai có thể bị COVID kéo dài từ khi họ mới nhiễm COVID-19. Chúng tôi biết rằng việc ai đó nhạy cảm hơn với COVID kéo dài không phải là ngẫu nhiên".

Tiến sĩ Heath nói bạn càng phát hiện COVID-19 sớm, bác sĩ càng có thể bắt đầu điều trị sớm, do đó, có khả năng ngăn chặn COVID kéo dài.

Ông nói: "Một số phương pháp điều trị cho những yếu tố nguy cơ này rất tốt, chẳng hạn như thuốc kháng virus, có thể làm giảm đáng kể tải lượng virus".

Chúng ta cần tiến hành thêm nhiều nghiên cứu nữa, nhưng tiến sĩ Heath vẫn lạc quan rằng bí ẩn về COVID kéo dài sẽ được giải đáp. "Đây là một bước tiến lớn", ông nói.

Đối với Cantrell, nghiên cứu này cùng với cách tiếp cận mới của bác sĩ mang lại hy vọng cho tương lai.

"Đối với cộng đồng mắc COVID kéo dài, có rất nhiều đau khổ", cô nói. "Mọi chuyện dường như diễn ra rất chậm và việc suy giảm sức khỏe đôi khi thật khó khăn. Nhưng chúng ta sẽ tìm ra câu trả lời; đừng mất hy vọng".

Trà My