Hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ trao đổi hợp tác trong lĩnh vực điện, điện tử

06/12/2023 14:49

Ngày 5/12, tại Hà Nội, Công ty Invest Global đã phối hợp cùng Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam tổ chức buổi gặp mặt doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ trong lĩnh vực sản xuất nồi hơi, tua in, cáp viễn thông, động cơ, máy biến thế…

Tham dự buổi gặp mặt có hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực điện, điện tử và đoàn các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất thiết bị điện và điện tử Ấn Độ (IEEMA).

Theo Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam - Sandeep Arya, sản xuất điện, điện tử là lĩnh vực quan trọng cho phát triển công nghiệp của hai nước và cũng là lĩnh vực doanh nghiệp hai nước có thể hợp tác sản xuất, đầu tư. Các doanh nghiệp tham dự buổi gặp mặt gồm các doanh nghiệp hàng đầu trong sản xuất nồi hơi, tua in, cáp viễn thông, động cơ, máy biến thế…

Hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ trao đổi hợp tác trong lĩnh vực điện, điện tử- Ảnh 1.

Theo Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam - Sandeep Arya, sản xuất điện, điện tử là lĩnh vực quan trọng cho phát triển công nghiệp của hai nước và cũng là lĩnh vực doanh nghiệp hai nước có thể hợp tác sản xuất, đầu tư.

Tổng giá trị thương mại các mặt hàng điện giữa Ấn Độ - Việt Nam mới đạt hơn 200 triệu USD. Con số này còn khiêm tốn so với tiềm năng của Ấn Độ cũng như khả năng hợp tác của hai nước.

"Với Quy hoạch Điện VIII vừa được phê duyệt, Việt Nam có nhiều tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực điện, điện tử. Chúng tôi sẽ có thêm nhiều chương trình trong thời gian tới nhằm hỗ trợ kết nối cộng đồng doanh nghiệp hai nước tìm hiểu, hợp tác và thúc đẩy thương mại trong lĩnh vực này", Đại sứ Sandeep Arya nói.

Ông Nguyễn Nội, Phó Tổng giám đốc Invest Global cho hay, về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, tính lũy kế đến tháng 11/2023, có 143 quốc gia đầu tư tại Việt Nam với vốn đăng ký hơn 462,3 tỷ USD.

Năm 2023, mặc dù FDI toàn cầu suy giảm, song 11 tháng đầu năm 2023, vốn FDI đăng ký vẫn đạt 28,8 tỷ USD, tăng 14,8% so cùng kỳ năm 2022. Doanh nghiệp FDI đóng góp lớn cho xuất khẩu chiếm khoảng 73% giá trị XK Việt Nam (224 tỷ USD/306 tỷ USD).

Ấn Độ có 387 dự án đầu tư vào Việt Nam, với vốn đăng kí hơn 1,1 tỷ USD, đứng thứ 23/143 đối tác đầu tư vào Việt Nam.

Hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ trao đổi hợp tác trong lĩnh vực điện, điện tử- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Nội, Phó Tổng giám đốc Invest Global cho hay, Thương mại hai nước Việt Nam - Ấn Độ đang hướng tới mốc 20 tỷ USD/ năm

Về quan hệ thương mại, thương mại hai chiều giữa hai nước gần đây tăng trưởng nhanh, năm 2022 kim ngạch thương mại đạt 15 tỷ USD tăng 13,6% so năm 2021. Thương mại hai nước đang hướng tới mốc 20 tỷ USD/ năm.

Trong chuyến thăm Ấn Độ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tháng 12/2021, đã mời gọi khuyến khích các doanh nghiệp Ấn Độ đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ thông tin, công nghiệp điện, điện tử. Sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, Hoa Kỳ cam kết tăng cường hỗ trợ Việt Nam về sản xuất, phát triển hạ tầng vật chất và hạ tầng số chất lượng cao, chuyển đổi năng lượng công bằng, cũng như hỗ trợ Việt Nam tham gia sâu rộng và bền vững vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Việt Nam có nhiều cơ hội trở thành trung tâm sản xuất công nghệ cao của thế giới trong tương lai.

Về đầu tư lĩnh vực thiết bị điện, Việt Nam có nhu cầu vốn đầu tư rất lớn. Cụ thể theo Quy hoạch điện VIII (Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023), giai đoạn 2021- 2030, ước tính tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 134,7 tỷ USD, trong đó đầu tư cho nguồn điện khoảng 119,8 tỷ USD (trung bình 12,0 tỷ USD/năm), lưới điện truyền tải khoảng 14,9 tỷ USD (trung bình 1,5 tỷ USD/năm). Trong đó việc phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời), mà Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển, được đặc biệt chú trọng.

Tại hội nghị COP28, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đối tác quốc tế ưu tiên hợp tác với Việt Nam trên 05 lĩnh vực chuyển đổi, bao gồm phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo, truyền tải và lưu trữ năng lượng, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Các đối tác quốc tế cam kết huy động nguồn lực ban đầu 15,5 tỷ USD trong vòng 3 đến 5 năm tới để giải quyết nhu cầu cấp bách, mang tính xúc tác cho chuyển đổi năng lượng công bằng của Việt Nam.

Việt Nam có 291 khu công nghiệp đang hoạt động, ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, có đầy đủ hạ tầng đồng bộ (điện, nước, thông tin) và sẵn mặt bằng đất sạch có thể xây dựng ngay nhà máy.

"Chúng tôi cho rằng với vị thế hàng đầu trong lĩnh vực điện, điện tử, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, chắc chắn các Doanh nghiệp Ấn Độ sẽ thành công khi đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Theo quy định pháp luật của Việt Nam, lĩnh vực đầu tư sản xuất sản phẩm điện, điện tử, sản xuất điện, truyền tải điện, thiết bị điện đều không thuộc diện đầu tư có điều kiện. Do vậy nhà đầu tư nước ngoài cũng như nhà đầu tư Ấn Độ có thể đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài, hoặc theo hình thức chuyển giao công nghệ, M&A với doanh nghiệp Việt Nam", ông Nội nói.

Hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ trao đổi hợp tác trong lĩnh vực điện, điện tử- Ảnh 3.

Hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực điện, điện tử và đoàn các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất thiết bị điện và điện tử Ấn Độ tham gia buổi gặp mặt

Chia sẻ tại buổi gặp mặt, ông Vũ Quang Hùng, Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách Bộ Công Thương cho rằng, có nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Ấn Độ có thể phối hợp với doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới. Có thể kể đến như các nhà đầu tư Ấn Độ tham gia đầu tư các dự án nguồn điện như điện gió, mặt trời, điện khí…

"Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư như Nhật Bản đã đầu tư các dự án công suất lớn và đã bắt đầu chuyển giao cho Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng trong giai đoạn tới sẽ có thêm các nhà đầu tư Ấn Độ trong lĩnh vực nguồn điện", ông Vũ Quang Hùng chia sẻ.

Ngoài ra, với lợi thế và thế mạnh của mình, doanh nghiệp Ấn Độ có thể cung cấp thiết bị cho các nhà máy điện như lò hơi, tuabin… Tương tự vậy, trong lĩnh vực truyền tải, cũng có thể tham gia cùng doanh nghiệp Việt Nam trong cung cấp thiết bị, hệ thống cáp, thiết bị cho truyền tải điện. Các doanh nghiệp điện tử có thể tham gia trong tự động hóa hoặc cung cấp thiết bị trong xử lý sự cố điện, chuyển đổi số cho các doanh nghiệp cung cấp, sản xuất điện.

Trong giai đoạn này, Việt Nam đang hướng đến xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, nên các doanh nghiệp có nhiều cơ hội triển khai hợp tác trong lĩnh vực này. Tại buổi gặp mặt này, hàng trăm doanh nhân đại diện các doanh nghiệp Ấn Độ và Việt Nam đã có buổi gặp và giới thiệu tiềm năng của mỗi bên nhằm hướng tới hợp tác, cùng phát triển.

Mai Phương