Ngày 15/9, thông tin từ Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đơn vị này vừa ra quyết định trưng cầu giám định gửi Cục thuế Hà Tĩnh, nhằm xác định hành vi trốn thuế của Công ty CP Đầu tư trang thiết bị y tế Hà Tĩnh trong quá trình mua, bán gói thiết bị y tế.
Theo kết quả điều tra bước đầu, từ tháng 8/12/2018, Công ty CP Đầu tư trang thiết bị y tế Hà Tĩnh do bà Mai Thị Hoa làm giám đốc đã mua 4 bộ máy giặt, máy sấy công nghiệp của Công ty CP The One Việt Nam (trụ sở tại TP.Hà Nội) với tổng số tiền hơn 2 tỉ đồng (1 bộ máy giặt, máy sấy có giá hơn 523 triệu đồng đã bao gồm thuế GTGT) nhưng không lấy hóa đơn GTGT.
Để nâng giá trị và hợp thức đầu vào, Công ty CP Đầu tư trang thiết bị y tế Hà Tĩnh ký hợp đồng với Công ty CP thiết bị y tế Bảo Anh (địa chỉ tại TP.Hà Nội) mua 4 bộ máy giặt, máy sấy trên với giá trị 10 tỉ đồng (đã tính thuế GTGT).
Sau đó, Công ty CP Đầu tư trang thiết bị y tế Hà Tĩnh bán 4 bộ máy giặt, máy sấy công nghiệp này cho 4 bệnh viện tuyến huyện ở Hà Tĩnh với giá 12 tỉ đồng (bao gồm thuế GTGT), gồm: Bệnh viện đa khoa H.Đức Thọ, Bệnh viện đa khoa H.Hương Sơn, Bệnh viện đa khoa H.Thạch Hà và Bệnh viện đa khoa H.Can Lộc. Việc mua bán, lắp đặt và thanh toán với 4 bệnh viện đã hoàn tất.
Đến tháng 7/2020, khi Phòng CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh phát giác và tiến hành điều tra thì bà Hoa đã liên hệ với Công ty CP The One Việt Nam để hợp thức hóa hồ sơ mua gói thiết bị y tế nói trên nhưng bị công ty này từ chối.
Làm việc với cơ quan điều tra, Công ty CP The One Việt Nam xác nhận chưa từng mua bán gì với Công ty CP thiết bị y tế Bảo Anh. Cả 4 bộ thiết bị máy giặt, máy sấy công nghiệp đều được nhân viên Công ty CP The One Việt Nam trực tiếp vận chuyển và lắp đặt tại 4 bệnh viện tuyến huyện ở Hà Tĩnh theo hợp đồng mua bán với Công ty CP Đầu tư trang thiết bị y tế Hà Tĩnh.
Việc nói rằng doanh nghiệp kê khống giá lên là không đúng với các tính tiết của vụ việc cũng như pháp luật vì sự thật là doanh nghiệp mua vào hơn 2 tỷ sau đó bán ra (trên cơ sở trúng thấu) gần 12 tỷ thì không phải là kê khống. Nếu tuân thủ pháp luật, ví dụ, mua vào 10 đồng, bán ra 100 đồng thì thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp có thể rất lớn. Thuế giá trị gia tăng cũng phải nộp nhiều hơn khi chênh lệch giữa giá mua và giá bán quá nhiều (dù với thuế giá trị gia tăng, doanh nghiệp là người nộp thuế chứ không phải là người chịu thuế). Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã gian lận để không chỉ trốn thuế thu nhập mà còn ăn luôn cả thuế giá trị gia tăng.
Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2018 và hiện nay là như nhau, đều là 20% (Điều 10 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp). Trong vụ việc này, với mức chênh lệch gần 10 tỷ, doanh nghiệp dù kê đủ hay kê khống chi phí bao nhiêu thì thuế thu nhập cũng rất lớn chưa nói tới thuế giá trị gia tăng nếu doanh nghiệp kê khai hóa đơn đầu vào từ Công ty CP The One Việt Nam.
Vì vậy, nếu cơ quan điều tra chứng minh được việc sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp gây thất thu thuế thì những người liên quan phải đối mặt với tội trốn thuế quy định tại điều 200 Bộ Luật Hình sự với hình phạt tiền tối đa lên tới 4,5 tỷ hay phạt tù với mức tối đa 7 năm và có thể bị áp dụng các hình phạt bổ sung hay các biện pháp tư pháp khác. Ngoài ra, với Bộ luật Hình sự hiện hành, pháp nhân tương ứng cũng đối mặt với trách nhiệm hình sự được quy định tại khoản 5, điều 200 với mức phạt tiền tối đa lên tới 3 tỷ đồng và có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viên.
Đối với Công ty Bảo Anh, là doanh nghiệp bán hóa đơn cho Công ty CP ĐTTTB YT Hà Tĩnh, những người liên quan cũng phải đối mặt với trách nhiệm hình sự. Ở mức độ nhẹ nhất, họ cũng có nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước" được quy định tại Điều 203 Bộ luật Hình sự. Hình phạt chính cho tội danh này là phạt tiền hoặc phạt tù, trong đó mức phạt tiền cao nhất lên tới 5 trăm triệu hay phạt tù tối đa tới 5 năm và còn có thể bị áp dụng các hình phạt bổ sung hay các biện pháp tư pháp khác. Pháp nhân thương mại tương ứng có thể bị phạt tiền tối đa 5 trăm triệu đồng hay bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.
Tuy nhiên, đối với Công ty CP The One Việt Nam, nếu không xuất hóa đơn hoặc xuất không đúng giá thanh toán thì đều phải đối mặt với trách nhiệm pháp lý mà nặng nhất là trách nhiệm hình sự tùy theo tội danh mà họ có thể bị buộc tội. Ở mức độ nhẹ, họ có nguy cơ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Thông tư 10/2014/TT-BTC và Thông tư 176/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Qua điều tra, nghiên cứu hồ sơ, tài liệu, nếu cơ quan chức năng chứng minh được có vi phạm khi thực hiện các quy trình, quy định trong thi hành nhiệm vụ biểu hiện bởi các hành vi như thông thầu, gian lận trong đấu thầu, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu, vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu…, dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng thì các cán bộ, viên chức liên quan có thể đối mặt với tội danh "Vi phạm các quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Với vụ việc trên, vấn đề đấu thầu cho đến thời điểm này, các cá nhân và cơ quan liên quan đều khẳng định họ đã thực hiện đúng quy trình, quy định.
Hiện nay, khi sử dụng vốn nhà nước, việc mua sắm của các cơ quan nhà nước được quy định chi tiết trong thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ Tài chính. Tuân thủ các quy định trong thông tư này từ việc quyết định mua sắm tài sản, hàng hóa, dịch vụ; phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, kết quả lựa chọn nhà thầu; thẩm định lựa chọn nhà thầu, lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu; v.v… thì rất khó xảy ra tiêu cực, thất thoát tài sản của nhà nước.
Theo Thái Quảng
“https://doanhnghieptiepthi.vn/ha-tinh-dieu-tra-doanh-nghiep-nang-gia-ban-thiet-bi-cho-cac-benh-vien-161200918105758301.htm”