Theo đó, bên cạnh việc tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập; phát huy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, Hà Nội phấn đấu hoàn thành 24 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Trong đó, 5 chỉ tiêu về phát triển kinh tế gồm: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 6,5 - 7%; GRDP bình quân đầu người từ 160,8 đến 162 triệu đồng; tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện 10,5 - 11,5%; tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu 4-5%; Chỉ số giá tiêu dùng dưới 4%.
Đối với 14 chỉ tiêu phát triển văn hóa, xã hội gồm: Giảm 0,15% tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên so với năm trước; giảm 0,1% tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng; duy trì 100% tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 94,5%; tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động đạt 45%; tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tăng 2,5%; tỷ lệ đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động đạt 40%; giảm 380 số hộ nghèo so với đầu năm; tỷ lệ thấp nghiệp khu vực thành thị giảm dưới 3%; tỷ lệ lao động đang làm việc qua đào tạo đạt 74,2%; tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia đạt 78,5%; tỷ lệ hộ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu "Gia đình văn hóa" đạt 88%; tỷ lệ thôn (làng) được công nhận và giữ vững danh hiệu “Làng văn hóa” đạt 64,5%; tỷ lệ tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu "Tổ dân phố văn hóa" đạt 74%.
Đối với 5 chỉ tiêu phát triển đô thị gồm: Tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch ở đô thị đạt 100% và nông thôn đạt 95%; tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom và vận chuyển trong ngày đạt 100% ở đô thị và từ 95 - 100% ở khu vực nông thôn; xử lý ô nhiễm môi trường đạt 100% với cụm công nghiệp xây dựng mới và cụm công nghiệp làng nghề đã đi vào hoạt động, 99% tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý, 100% chất thải y tế nguy hại được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, 40% nước thải đô thị được xử lý; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt từ 22 - 25%; tăng 40 xã được công nhận nông thôn mới nâng cao và 35 xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu.
Để thực hiện các mục tiêu trên, TP Hà Nội đề ra các giải pháp thực hiện bao gồm đảm bảo tăng trưởng ổn định kinh tế Thủ đô, kiểm soát lạm phát; tiếp tục củng cố, phát huy các động lực tăng trưởng.
Tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, các ngành, lĩnh vực mới nổi, mô hình kinh doanh mới.
Xây dựng cơ chế, chính sách tạo động lực phát triển KT-XH.
Thúc đẩy phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị; nâng cao hiệu quả và chất lượng quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, đô thị và bảo vệ môi trường.
Phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ.
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; Thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Tập trung cao độ công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 3 đồng thời nâng cao cảnh giác, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo thẩm quyền, đảm bảo kịp thời, hiệu quả, sát với tình hình thực tế trên địa bàn TP…
UBND TP Hà Nội giao Thủ trưởng các sở, ban ngành, Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả các nhiệm vụ đề ra tại kế hoạch; thực hiện kiểm điểm tiến độ, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện.
Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các sở, ban ngành, địa phương, bảo đảm kịp thời, đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ; kiên quyết chấn chỉnh, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.