Hà Nội: Phấn đấu đến năm 2035 vận hành 10 tuyến đường sắt đô thị

18/08/2024 08:36

TP Hà Nội phấn đấu đến năm 2035 hoàn thành đầu tư xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài trên 410,8km, tổng nhu cầu vốn là khoảng 37,2 tỷ USD.

Tại Hội nghị Hội đồng điều phối Vùng đồng bằng sông Hồng do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì ngày 17/8, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn đã báo cáo về hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị của Hà Nội để làm rõ hơn lĩnh vực phát triển trọng tâm của Hà Nội trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội và Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội có 10 tuyến với hơn 410 km. Vừa qua, Đề án điều chỉnh Quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn 2065 có bổ sung phát triển thêm 5 tuyến, nâng tổng số đường sắt đô thị Hà Nội lên 15 tuyến với tổng số chiều dài 616,9 km.

Trong những năm qua, được sự quan tâm, giúp đỡ hỗ trợ tạo điều kiện của Quốc hội, Chính Phủ, các Bộ ngành Trung ương cùng với sự nỗ lực cố gắng của toàn bộ hệ thống chính trị TP. Hà Nội, việc triển khai thực hiện đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải nói chung, trong đó đặc biệt là phát triển hệ thống đường sắt đô thị nói riêng dù gặp nhiều thách thức, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện, đến nay đã đạt được những kết quả ban đầu.

Hà Nội đưa vào vận hành Tuyến đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh - Hà Đông) và Tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội (đoạn trên cao) vào ngày 08/8/2024 đã được người dân Thủ đô đánh giá rất cao, đón nhận và cũng là những cột mốc đáng nhớ của thành phố.

Hà Nội: Phấn đấu đến năm 2035 vận hành 10 tuyến đường sắt đô thị- Ảnh 1.

Đến năm 2035, Hà Nội cần Trung ương hỗ trợ khoảng hơn 8,6 tỷ USD để phát triển đường sắt đô thị

Thành phố phấn đấu đến năm 2035 hoàn thành đầu tư xây dựng, vận hành 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài khoảng 418 km với nhu cầu vốn khoảng 37,2 tỷ USD. Tuy nhiên qua rà soát các nguồn vốn đầu tư công, tổng hợp khả năng cân đối các nguồn vốn có thể huy động khác của Hà Nội đến năm 2035 là khoảng 28,56 tỷ USD. Như vậy, đến năm 2035, thành phố cần Trung ương hỗ trợ khoảng hơn 8,6 tỷ USD.

Đến năm 2045, thành phố đầu tư xây dựng hoàn thành 5 tuyến còn lại với tổng chiều dài 201km. Cùng với đó, Hà Nội hoàn thành, đưa vào vận hành, khai thác tổng thể hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô (gồm 15 tuyến, đoạn tuyến điều chỉnh, bổ sung với tổng chiều dài khoảng 616,9km), nhu cầu vốn giai đoạn này là khoảng 18,252 tỷ USD.

Theo lãnh đạo UBND TP Hà Nội, thành phố đang tổ chức nghiên cứu, triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị: Tuyến số 2.1 (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo), Tuyến số 3.2 (ga Hà Nội - Hoàng Mai), Tuyến số 5 (Văn Cao - Hòa Lạc), Tuyến số 2A kéo dài (Hà Đông - Xuân Mai)… UBND TP. Hà Nội quyết tâm và đưa ra các giải pháp đột phá để phát triển hệ thống đường sắt đô thị.

Trong đó, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, cụ thể hóa các cơ chế chính sách đã được định hướng trong Luật Thủ đô (sửa đổi) trong khuyến khích đầu tư nhằm thu hút, hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giảm áp lực ngân sách, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy hoạch đã được phê duyệt .

Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Đề án tổng thể tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô báo cáo cấp có thẩm quyền trình Bộ Chính trị, Quốc hội xem xét, thông qua các cơ chế, chính sách đặc thù làm cơ sở triển khai thực hiện.

Tập trung nguồn lực đầu tư các tuyến ĐSĐT tại khu vực đô thị trung tâm nhằm giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng. Trong đó, ưu tiên triển khai bước các tuyến đã có nghiên cứu chuẩn bị đầu tư, thiết kế chi tiết (Tuyến số 1, đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên; Tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; Tuyến số 3, đoạn Cầu Giấy - ga Hà Nội - Hoàng Mai; Tuyến số 5: Văn Cao - Hòa Lạc).

10 tuyến đường sắt đô thị theo quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô gồm: Tuyến số 1, đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên dài hơn 38 km; Tuyến số 2, Nam Thăng Long (kéo dài đi Sóc Sơn) dài hơn 47 km; Tuyến số 2 A, đoạn Cát Linh - Hà Đông, kéo dài Xuân Mai dài 33 km; Tuyến số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội, kéo dài đến Sơn Tây dài 57 km; Tuyến số 4, Mê Linh - Sài Đồng - Liên Hà dài 54 km; Tuyến số 5, Văn Cao - Hòa Lạc dài 38 km; Tuyến số 6, Nội Bài - Ngọc Hồi dài 43 km; Tuyến số 7, Hà Đông - Mê Linh dài 28 km; Tuyến số 8, đoạn Sơn Động - Mai Dịch, kéo dài đến Dương Xá dài 39 km; Tuyến số 9, Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai dài 32 km.

5 tuyến bổ sung theo điều chỉnh Quy hoạch chung gồm: Tuyến 1A, Ngọc Hồi - sân bay thứ 2 phía Nam dài 29 km; Tuyến số 9, Mê Linh - Cổ Loa - Dương Xá dài; 48 km; Tuyến số 10, Cát Linh - Láng Hạ - Lê Văn Lương - Yên Nghĩa dài 12 km; Tuyến số 11, vành đai 2 - trục phía Nam - sân bay thứ 2 phía Nam, dài 42 km; Tuyến số 12, Xuân Mai - Phú Xuyên dài 45 km.

 

Huyền My