Trong đó có 2,4 nghìn lao động được tạo việc làm từ nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền là 116,1 tỷ đồng; 1,6 nghìn lao động nhận được việc làm sau khi phỏng vấn tại các phiên, sàn giao dịch việc làm; 15,3 nghìn lao động được giải quyết việc làm qua hình thức xuất khẩu lao động, cung ứng dịch vụ việc làm của các doanh nghiệp và qua các hình thức khác.
Tính chung 7 tháng năm 2023, thành phố giải quyết việc làm cho trên 132 nghìn lao động, đạt 81,9% kế hoạch năm và bằng 96,7% cùng kỳ năm 2022.
Cũng trong 7 tháng năm nay, thành phố ra quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp cho 48,1 nghìn người với số tiền hỗ trợ 1.356 tỷ đồng; hỗ trợ học nghề cho 585 người với số tiền gần 2,7 tỷ đồng.
Thời gian qua, Hà Nội đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp tạo việc làm mới cho người lao động, bao gồm phối hợp, gắn kết với doanh nghiệp đã và đang được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh triển khai theo nhiều hình thức. Tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm.
Mới đây, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, tuyển dụng lao động phù hợp, đồng thời hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố: Ninh Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Thái Bình, Phú Thọ, Hải Phòng, tổ chức Phiên Giao dịch việc làm trực tuyến.
Tổng hợp của Sàn giao dịch việc làm Hà Nội cho thấy, 161 doanh nghiệp tham gia với 40.108 chỉ tiêu tuyển dụng. Trong đó, nhu cầu tuyển dụng lớn nhất ở Bắc Giang, với 17.494 chỉ tiêu; Tiếp theo lần lượt là Thái Nguyên 8.470 chỉ tiêu, Ninh Bình 3.701 chỉ tiêu, Phú Thọ 3.453 chỉ tiêu…
Hà Nội có 32 doanh nghiệp tham gia, tổng chỉ tiêu tuyển dụng là 1.208. Trong đó có 18 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất, chiếm tỷ lệ cao nhất (56,2%), còn lại thuộc lĩnh vực thương mại dịch vụ, vận tải, giáo dục…
Nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ cao đẳng - đại học trở lên là 327 lao động, chiếm 27,1%; Trình độ trung cấp – công nhân kỹ thuật là 461 lao động, chiếm 38,1%; Lao động phổ thông 420 chỉ tiêu, chiếm 34,8%.
Có 309 chỉ tiêu lao động có mức thu nhập từ 10 đến 15 triệu đồng/tháng, chiếm 25,5%, dành cho lao động có kinh nghiệm và chuyên môn tốt, tuyển dụng vào các vị trí kinh doanh, quản lí, giám sát, trưởng - phó phòng. Chiếm tỷ lệ lớn nhất (38,2%) là mức thu nhập từ 7 đến 10 triệu đồng/tháng, với 462 chỉ tiêu, dành cho các vị trí kế toán, nhân viên văn phòng, lễ tân, nhân viên kỹ thuật có tay nghề.
Ở mức thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng có 373 chỉ tiêu, chiếm 30,8% tổng số chỉ tiêu tuyển dụng, dành cho lao động chưa có tay nghề, sinh viên mới ra trường hoặc các công việc thời vụ, part time… Còn lại là mức thu nhập thỏa thuận với 64 chỉ tiêu, bảo đảm đáp ứng hài hòa nhu cầu, quyền lợi của người lao động và nhà tuyển dụng.
Nhằm hoàn thành tốt và phấn đấu vượt chỉ tiêu về giải quyết việc làm, trong 6 tháng cuối năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội sẽ tiếp tục tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch thu thập thông tin thị trường lao động năm 2023. Chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tiếp tục tổ chức thu thập, cung cấp thông tin về nhu cầu tìm việc, học nghề, xuất khẩu lao động của người lao động qua các hình thức; định hướng đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm cho người lao động khi bị mất việc làm.
Tổ chức tập huấn công tác an toàn, vệ sinh lao động cho các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn theo kế hoạch. Triển khai thực hiện kế hoạch tuyển chọn, bổ nhiệm hòa giải viên lao động năm 2023 và tổ chức hội nghị ra mắt Hội đồng trọng tài thành phố.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án phát triển quan hệ lao động; tăng cường công tác tuyên truyền, đối thoại, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện chính sách, pháp luật về lao động, quan hệ lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội nhằm xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới. Phối hợp triển khai các giải pháp đồng bộ để giảm nợ BHXH, mở rộng diện bao phủ, phát triển đối tượng tham gia BHXH.