Theo đó, đối tượng tiêm chủng là toàn bộ trẻ em đủ 12 - 17 tuổi, bao gồm trẻ đi học tại các trường đóng trên địa bàn thành phố và trẻ không đi học sinh sống tại Hà Nội, có chỉ định sử dụng vaccine của nhà sản xuất và Bộ Y tế.
Theo dự kiến, sẽ có 791.921 trẻ em trong đối tượng dự kiến tiêm chủng, cụ thể:
- Trẻ từ 12 đến dưới 16 tuổi: 519.547 đối tượng.
- Trẻ từ 16 đến dưới 18 tuổi: 272.374 đối tượng.
Mục tiêu của kế hoạch là trên 95% trẻ em từ 12 - 17 tuổi đủ điều kiện tiêm chủng được tiêm đủ mũi vaccine phòng Covid-19 theo từng đợt phân bổ của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, đảm bảo việc tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản và tổ chức tiêm chủng an toàn, đáp ứng nhanh cho công tác phòng chống dịch.
Thành phố sẽ triển khai tiêm ngay khi tiếp nhận vaccine và tùy theo tiến độ cung ứng vaccine của Bộ Y tế. Dự kiến sẽ triển khai tiêm chủng vào quý IV/2021 và quý I/2022.
Gần 800.000 trẻ em ở Hà Nội sắp được tiêm vaccine Covid-19 (Ảnh minh họa)
Trước đó, ngày 1/11, UBND TP. Hà Nội cũng đã ban hành kế hoạch tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi, với nguyên tắc ưu tiên tiêm trước cho các nhóm đối tượng trẻ em ở các quận, huyện đang có dịch.
Về hình thức triển khai, thành phố sẽ tổ chức tiêm chủng theo lứa tuổi từ cao đến thấp (tiêm trước cho lứa tuổi từ 16 - 17 tuổi và hạ dần độ tuổi) theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch của thành phố.
Hà Nội sẽ tổ chức theo hình thức tiêm chủng chiến dịch tại các cơ sở tiêm chủng cố định và lưu động. Căn cứ đối tượng cần tiêm, tình hình dịch trên địa bàn và phương án mở cửa trường học trở lại, tổ chức các điểm tiêm chủng vaccine Covid-19 tại trạm y tế xã, phường, thị trấn và các điểm tiêm chủng lưu động tại trường học…
Ngoài ra, thành phố cũng huy động các điểm tiêm chủng tại bệnh viện, phòng khám trong và ngoài công lập, các bệnh viện Bộ, ngành đóng trên địa bàn, các cơ sở tiêm chủng dịch vụ và tăng cường hỗ trợ nhân viên có chứng nhận an toàn tiêm chủng tăng cường tại các điểm tiêm.
Bộ Y tế cho biết, từ đầu tháng 11/2021, Chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 cho trẻ từ 12 - 17 tuổi sẽ chính thức triển khai trên toàn quốc, ưu tiên tiêm trước cho nhóm 16 - 17 tuổi và hạ dần độ tuổi theo tiến độ cung ứng vaccine và tình hình dịch tại địa phương. Hiện nay, Việt Nam có 2 loại vaccine đã cấp phép, có thể tiêm cho trẻ là Pfizer và Moderna.
Chuyên gia khuyến cáo trong 3 ngày đầu sau tiêm vaccine, cha mẹ không nên cho trẻ chạy nhảy, hoạt động quá mức, bởi đã có trường hợp trẻ viêm cơ tim sau tiêm vaccine. Thống kê cho thấy, viêm cơ tim xảy ra nhiều hơn ở mũi tiêm thứ 2, ở bé trai nhiều hơn bé gái.
Ngoài ra, việc tiêm vaccine Covid-19 chống chỉ định đối với trẻ có tiền sử rõ ràng phản vệ với vaccine lần trước, hoặc các thành phần của vaccine; hoặc trẻ nằm trong trường hợp chống chỉ định theo hợp đồng của nhà sản xuất với từng loại vaccine. Trẻ sẽ phải trì hoãn tiêm vaccine khi đang mắc bệnh cấp tính, có các yếu tố khác nếu phát hiện được (ví dụ: có thai dưới 13 tuần).
Đối tượng cần thận trọng khi tiêm vaccine là trẻ có tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào hoặc bị rối loạn tri giác, rối loạn hành vi.
Đặc biệt, trẻ mắc bệnh bẩm sinh, mãn tính vẫn được tiêm vaccine Covid-19 nhưng phải tiêm ở bệnh viện. Các bác sĩ sẽ đánh giá nếu không có tình trạng cấp cứu, phải can thiệp, thì vẫn tiêm được.