Hà Nội đề xuất ban hành chính sách đồng bộ thực hiện Chương trình OCOP

25/03/2021 22:43

Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội đề nghị Chính phủ ban hành chính sách đồng bộ thực hiện Chương trình OCOP theo hướng hỗ trợ, đầu tư, nâng cấp chất lượng sản phẩm OCOP.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ. (Ảnh: internet)

 

Để tạo điều kiện trong tổ chức thực hiện Chương trình OCOP, đồng thời hỗ trợ các chủ thể tham gia chương trình đẩy mạnh xúc tiến giao thương sản phẩm OCOP giai đoạn 2021 - 2026, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội đề nghị Chính phủ ban hành chính sách đồng bộ thực hiện Chương trình OCOP theo hướng hỗ trợ, đầu tư, nâng cấp chất lượng sản phẩm OCOP. Quy định mức thưởng cho các chủ thể có sản phẩm được công nhận từ 3 sao trở lên; mức chi đối với đơn vị tư vấn cho các chủ thể tham gia, thành viên hội đồng, tổ tư vấn đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP từ cơ sở đến cấp tỉnh.

Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội cũng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, bổ sung có hướng dẫn chi tiết mức chi tại Điều 20b của Thông tư số 08/2019/TT-BTC, để đảm bảo triển khai thực hiện Chương trình OCOP. Bộ Công Thương có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc hỗ trợ các điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP tại địa phương từ ngân sách Trung ương và đại phương. Cụ thể, hỗ trợ lắp đặt biển hiệu nhận diện, giá kệ trong cửa hàng, hỗ trợ công tác tuyên truyền, thành lập các chuỗi điểm giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, hỗ trợ vận hành và duy trì điểm bán.

Đặc biệt, Hà Nội kiến nghị Bộ NN&PTNT nghiên cứu tham mưu Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 và Quyết định số 781/QĐ-TTg ngày 08/6/2020 sửa đổi, bổ sung một số phụ lục Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm. Trong đó, bỏ tiêu chí Tỷ lệ sử dụng nguyên liệu địa phương.

Theo quy định nhóm 1 (Thực phẩm tươi sống và Thực phẩm thô, sơ chế) yêu cầu sử dụng nguyên liệu địa phương từ 75% trở lên; nhóm 2 (Thực phẩm chế biến (đồ ăn nhanh), gia vị, chè, cà phê, ca cao) yêu cầu sử dụng nguyên liệu địa phương từ 50% trở lên. Theo đánh giá của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, điều này sẽ hạn chế việc liên kết giữa các vùng sản xuất và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên kết bao tiêu sản phẩm.

Theo Hà Trần

"https://thuonghieucongluan.com.vn/ha-noi-de-xuat-ban-hanh-chinh-sach-dong-bo-thuc-hien-chuong-trinh-ocop-a130379.html"