Giải bài toán kết nối tiêu thụ nông sản một cách hiệu quả hơn

09/10/2020 21:21

Đã đến lúc chúng ta phải đặt vấn đề giải bài toán kết nối tiêu thụ nông sản một cách hiệu quả hơn, vững chắc hơn, nhân văn hơn, đúng pháp lý hơn.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

 

Theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, thứ nhất, cần phải kết nối bằng cái tâm của các doanh nghiệp và các cá nhân tổ chức kinh doanh trên thị trường: Hàng hóa sản xuất ra và tiêu thụ trên thị trường đều phải trả lời được câu hỏi là mình sản xuất kinh doanh để phục vụ cho ai? Đã đem lại những lợi ích và hiệu quả thiết thực cho người tiêu dùng và cho xã hội? Không vì lợi nhuận mà tổ chức sản xuất kinh doanh dẫn tới vi phạm pháp luật và quyền lợi người tiêu dùng. Điều quan trọng là hàng hóa giao dịch phải đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm và mức giá hợp lý được xã hội chấp nhận.

Cái tâm của người sản xuất kinh doanh còn thể hiện ở chỗ, khi giao dịch mua bán với nhau, dù trực tiếp hay kinh doanh qua mạng cũng đều phải biết mình, biết người, không giành hết phần lớn lợi nhuận cho mình và đem lại thua thiệt cho đối tác. Kiên quyết không sản xuất kinh doanh những mặt hàng cấm, hàng giả, hàng kém phẩm chất, làm thiệt hại cho người tiêu dùng. Sản xuất kinh doanh phải kiên quyết khắc phục những câu chuyện về những đơn vị có thể mạnh về quy mô bán lẻ và thương hiệu để ép cấp, ép giá, ép chiết khấu của nhà cung ứng, của nhà sản xuất gửi niềm tin vào siêu thị để xây dựng thương hiệu của mình một cách bền vững.

Kết nối có tâm chính là làm sao rau sạch, thịt sạch đang sản xuất ngày càng lớn về khối lượng trên thị trường được đứng trên kệ các siêu thị, và các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, các chợ truyền thống, tránh tình trạng như hiện nay mới có khoảng 5-7% rau sạch, thịt sạch tiêu thụ ở các siêu thị còn lại phải bán trôi nổi ở ngoài thị trường, không được tổ chức chặt chẽ và người sản xuất không thu được giá trị tương ứng mà mình đã bỏ công để sản xuất, đây chính là nút thắt chính cần gỡ bỏ để tăng cường việc kết nối tiêu thụ hàng hóa nói chung và hàng nông sản thực phẩm nói riêng ở thị trường nội địa.

Thứ hai, kết nối phải thực sự bền bỉ, liên tục, không nản chí, lúc thuận lợi cũng như lúc khó khăn đều phải có nhau, cùng nhau vượt qua những trở ngại để phát triển.

Thứ ba, kết nối 6 nhà, nhất thiết phải có những “bà đỡ”, đó là vai trò hỗ trợ hợp lý hiệu quả thiết thực của Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương đối với các doanh nghiệp. “Bà đỡ” phải tạo ra một môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế trên thị trường. “Bà đỡ” còn hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, xây dựng các cơ sở vật chất và hạ tầng cho sản xuất kinh doanh một cách hiệu quả với những chi phí hợp lý, giao dịch mua bán được công khai minh bạch.

Thực hiện việc kết nối với những phương châm cơ bản kể trên, chắc chắn hàng hóa Việt nói chung và hàng hóa nông sản thực phẩm nói riêng của Việt Nam sẽ có chỗ đứng xứng đáng ở thị trường nội địa và vươn ra xuất khẩu trước sức ép của việc thâm nhập một cách mạnh mẽ của hàng hóa ở các nước mà Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại. Đất nước phát triển kinh tế vận hành từng bước theo cơ chế thị trường, theo định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của Nhà nước, chính vì vậy, cùng với sự nỗ lực chủ quan của các doanh nghiệp trong việc tự giác để kết nối với nhau thì vai trò “bà đỡ” của Nhà nước và các ngành các cấp liên quan là vô cùng quan trọng.

"Nhất thiết phải bảo vệ sự kết nối của các doanh nghiệp làm ăn chân chính và nghiêm túc, đồng thời xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân vi phạm pháp luật và vi phạm quyền lợi người tiêu dùng. Tương lai của chủ trương kết nối 6 nhà là vô cùng sáng sủa. Chúng ta tin tưởng những sự kết nối một cách khoa học nhân văn và bền vững sẽ đem lại những kết quả tích cực, góp phần vào việc phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ kinh tế của đất nước trong năm 2020 và những năm tiếp theo", ông Phú nhấn mạnh.

Theo Minh Anh

"https://thuonghieucongluan.com.vn/giai-bai-toan-ket-noi-tieu-thu-nong-san-mot-cach-hieu-qua-hon-a115751.html"