Giá dầu thế giới giảm nhẹ ở phiên giao dịch đầu tuần (ngày 23/12). Giá dầu đi xuống trong bối cảnh giao dịch thưa thớt trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh do lo ngại về tình trạng dư cung vào năm 2025 và đồng USD mạnh lên.
Ở phiên giao dịch thứ hai của tuần (ngày 24/12), giá dầu nhích nhẹ nhờ Trung Quốc công bố đợt bán trái phiếu kho bạc kỷ lục.
Hôm nay (25/12), thị trường Mỹ ngừng giao dịch nhân dịp Giáng sinh. Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 7h25' ngày 25/12 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được niêm yết ở mức 73,58 USD/thùng. Giá dầu WTI ở mức 70,1 USD/thùng.
Trước diễn biến trên của giá xăng dầu thế giới, theo đại diện một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, giá xăng dầu trong nước sẽ biến động. Theo diễn biến thị trường hiện nay, dự báo trong kỳ điều hành giá tới, giá xăng dầu trong nước có thể sẽ giảm.
Nếu cơ quan điều hành không tác động đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu, giá xăng trong nước có thể giảm từ 370-385 đồng/lít. Tương tự, giá dầu diesel có khả năng giảm khoảng 100-150 đồng/lít.
Trong trường hợp cơ quan điều hành trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu, giá xăng có thể giảm ít hơn. Nếu dự báo trên là chính xác, giá xăng RON 95 sẽ quay đầu giảm sau 2 lần tăng liên tiếp. Hiện, giá nhiên liệu này vẫn ở mức thấp nhất hơn 3 năm qua, tương đương thời điểm tháng 7/2021. Từ đầu năm đến nay, xăng tăng 24 lần, giảm 26 lần. Dầu diesel có 22 lần tăng và 27 lần giảm.
Dư địa quỹ bình ổn giá xăng dầu của một số doanh nghiệp đầu mối vẫn ghi nhận mức dương lớn do nhiều kỳ điều hành không sử dụng quỹ. Số dư quỹ tính đến cuối quý II là 6.061 tỷ đồng, giảm 18 tỷ đồng so với quý liền trước và là quý giảm thứ 5 liên tục. So với cuối năm 2023, số dư quỹ này giảm gần 600 tỷ đồng.
Ở kỳ điều hành gần nhất ngày 19/12, cơ quan điều hành quyết định tăng 380 đồng/lít với xăng E5 RON 92 lên 20.240 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 410 đồng/lít, lên 21.000 đồng/lít. Tương tự, dầu diesel cũng tăng 480 đồng/lít lên 18.730 đồng/lít; dầu hỏa tăng 400 đồng/lít, lên mức 18.960 đồng/lít; dầu mazut tăng 330 đồng/kg lên 15.900 đồng/kg.