Trên các trang web bán vé trực tuyến, giá vé máy bay khứ hồi Tết Nguyên đán 2024 trên một số chặng bay được bán với mức 4,5-10 triệu đồng/vé tùy hãng, thời điểm bay và ngày bay (đã gồm thuế, phí).
Đơn cử, giá vé ngày Mùng 2 Tết (11/2/2024) về ngày Mùng 5 Tết (14/2/2024) chặng Đà Nẵng- Hà Nội của VietJet Air là 3.320.000 đồng; Vietravel Airlines 3.223.280 đồng; Bamboo Airways 5.102.000 đồng và Vietnam Airlines: 4.900.000 đồng.
Với chặng bay TPHCM – Hà Nội cùng thời gian trên hành khách chọn bay khứ hồi của VietJet Air là 5.000.000 đồng; Vietravel Airlines là 4.800.000 đồng; BamBoo Airways là 5.800.000 đồng còn chọn bay Vietnam Airlines lên tới 6.800.000 đồng.
Nhiều người dân cho biết giá vé máy bay đắt đỏ gây ra áp lực không nhỏ cho kế hoạch về quê đón Tết của mình. "Giá vé máy bay khứ hồi dịp Tết từ TP.HCM về Thanh Hoá khá đắt. Mua vé xong là mất cả 1 tháng lương công nhân. Vì vậy, tôi đắn đo không biết có nên về quê đón Tết không nữa.", chị Nguyễn Mơ (công nhân tại TP.Thủ Đức) chia sẻ.
Trước ý kiến của hành khách phản ánh mặc dù trong giai đoạn thấp điểm nhưng giá vé máy bay tại hầu hết đường bay nội địa đang ở mức khá cao, Cục Hàng không Việt Nam cho biết giá vé máy bay (cả quốc tế và nội địa) hiện nay đều được thực hiện theo cơ chế giá vé linh hoạt với nhiều dải giá tùy tình hình thị trường (cung-cầu), điều kiện vé, thời điểm xuất vé…
Đối với các đường bay nội địa, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành khung giá vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa. Hiện tại, các hãng hàng không Việt Nam đều xây dựng sản phẩm và giá vé máy bay nội địa phù hợp với nhu cầu của hành khách và nằm trong khung giá quy định.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, để phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách, trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 (từ ngày 25/1 đến 24/2/2024, tức từ 15 tháng Chạp đến 15 tháng Giêng Âm lịch), các hãng hàng không dự kiến cung ứng xấp xỉ 5,5 triệu ghế trên các đường bay nội địa, tăng 4% so với thời điểm Tết Nguyên đán Quý Mão và xấp xỉ 2,1 triệu ghế trên các đường bay quốc tế, tăng 36,8%.
Với giá vé máy bay khá cao như hiện tại, nhiều khách hàng đã cân nhắc lựa chọn chuyển sang tàu hỏa hoặc xe gường nằm để tiết kiệm chi phí.
Chị Lê Ngọc Hoa (TPHCM) cho biết: “Nếu cả nhà 4 người đến Tết bay ra Hà Nội thăm ông bà mà đi máy bay thì phải mất đến hơn 20 triệu đồng tiền vé. Năm nay kinh tế khó khăn nên gia đình sẽ tính toán lại phương tiện di chuyển như xe ghép hoặc bằng tàu hoả”.
Theo thông tin từ Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn, từ ngày 20/12/2023, đường sắt tổ chức bán vé tàu tết Giáp Thìn 2024 trên tuyến Bắc - Nam. Đến nay, đã bán thành công trên 100.000 vé; các tàu chạy vào các ngày, giờ cao điểm hầu như đã kín chỗ.
Đối với các tuyến, ngày không cao điểm, Đường sắt Sài Gòn cho biết vé vẫn còn khá nhiều.
Cụ thể, từ ngày 2/2/2024 trở về trước và từ ngày 7/2 đến ngày 9/2/2024 (tức từ ngày 23 tháng Chạp trở về trước và từ ngày 28 đến ngày 30 tháng Chạp) còn vé đi tất cả các ga; các ngày từ 3/2 đến 6/2/2024 (tức từ ngày 24 đến ngày 27 tháng Chạp) chủ yếu còn vé ghế mềm và ghế phụ. Sau Tết còn nhiều vé tàu đi tất cả các ngày.
Tại Hà Nội, đến thời điểm hiện tại, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết doanh nghiệp này đã tổ chức chạy thêm 10 chuyến tàu trên tất cả các tuyến dịp tết Dương lịch 2024 ngoài các đôi tàu chạy thường xuyên giữa Hà Nội - Sài Gòn, Hà Nội - Vinh, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng.
Đường sắt vẫn đang áp dụng nhiều chính sách ưu đãi để hỗ trợ hành khách đi tàu: Giảm giá cho các đối tượng chính sách xã hội, công đoàn, hành khách có thẻ khách hàng; giảm 3% giá vé cho các đoàn tàu xuất phát tại ga Sài Gòn ngày 8/2/2024 (tức ngày 29/12 Âm lịch) và đi từ 1.000km trở lên; giảm 5% giá vé lượt về cho hành khách mua vé khứ hồi. Đặc biệt sinh viên sẽ được giảm từ 10-20% giá vé tùy theo ngày đi tàu.
Được biết, đường sắt tiếp tục phát hành thẻ khách hàng thân thiết trong năm 2024, gia tăng hậu mãi, giảm giá vé cho khách hàng.