Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ GTVT đề xuất tạm thời chưa xem xét việc điều chỉnh khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa.
Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam cho hay trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc ổn định giá cả, hạn chế các tác động tiêu cực đến đời sống xã hội là cần thiết. Do đó, cơ quan này đề xuất tạm thời chưa xem xét việc điều chỉnh khung giá dịch vụ vận chuyển.
Trước đó, đầu tháng 3/2020, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản đề xuất với Bộ GTVT việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 17/2019/TT-BGTVT của Bộ GTVT ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển về mức quy định năm 2014.
Cụ thể, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất giữ nguyên giá trần cho các đường bay kinh tế - xã hội (1,6 triệu đồng) và các đường bay khác dưới 500 km (1,7 triệu đồng), đồng thời tăng giá trần đường bay có cự ly vận chuyển 500 - 850 km từ 2,2 triệu đồng lên 2,25 triệu đồng (tăng 2,27%).
Giá trần đường bay từ 850 - 1.000 km cũng được đề xuất tăng từ 2,79 triệu đồng lên 2,89 triệu đồng (tương đương 3,58%). Đường bay từ 1.000 - 1.280 km tăng từ 3,2 triệu đồng lên 3,4 triệu đồng (tương đương 6,25%) và đường bay từ 1.280 km trở lên sẽ tăng từ 3,75 triệu đồng lên 4 triệu đồng (tương đương 6,67%).
Đề xuất này của Cục Hàng không Việt Nam được đưa ra trên cơ sở biến động chi phí đầu vào. Cụ thể, theo thống kê, tháng 2/2020, giá nhiên liệu Jet A1 khu vực châu Á là 65,27 USD/thùng (tăng 11,36% so với thời điểm tháng 8/2015). Thuế nhập khẩu 7%, tỷ giá tăng khoảng 3,25% so với thời kỳ tháng 8-2015; Thuế bảo vệ môi trường tăng 200% (từ 1.000 đồng/l lên 3.000 đồng/l). Biến động của giá nhiên liệu và tỷ giá trong thời gian từ tháng 8/2015 đến tháng 2/2020 tác động làm tăng khoảng 5,62% chi phí một chuyến bay.
Theo Ngọc Lan
"https://thuonghieucongluan.com.vn/de-xuat-chua-xem-xet-tang-gia-ve-may-bay-a99532.html"