Những bước chuyển mình
Nếu năm 2015, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Gia Lai chỉ đạt 56,83 điểm, xếp thứ 47/63 tỉnh, thành thì đến năm 2019 đã đạt 65,34 điểm, xếp thứ 30/63 tỉnh, thành. Giai đoạn 2016-2020, Gia Lai đã thu hút 515 dự án với tổng vốn đăng ký là 832.925 tỷ đồng (tăng gấp 5 lần số dự án và 36 lần về số vốn so với giai đoạn 2011-2015). Trong đó, 231 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 66.500 tỷ đồng; 108 dự án được các doanh nghiệp quan tâm lập thủ tục đầu tư với số vốn khoảng 50.928 tỷ đồng; 176 dự án điện mặt trời, điện gió được các nhà đầu tư quan tâm đăng ký với quy mô 24.300 MWp, dự kiến vốn đầu tư trên 715.497,5 tỷ đồng.
Ông Hồ Phước Thành - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) cho biết: Riêng năm 2020, toàn tỉnh có 56 dự án được phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 43.700 tỷ đồng; 22 dự án được UBND tỉnh đồng ý chủ trương nghiên cứu, lập đề xuất với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 4.127 tỷ đồng.
Ngoài ra, UBND tỉnh đã trình Chính phủ, Bộ Công thương phê duyệt bổ sung quy hoạch 14 dự án điện mặt trời với tổng công suất 1.354 MWp và 74 dự án điện gió với công suất 9.699,2 MW; tạo điều kiện cho các nhà đầu tư khảo sát, nghiên cứu 25 dự án điện mặt trời, 24 dự án điện gió.
Đến nay, một số dự án lớn đã hoàn thành như: Nhà máy Điện mặt trời Krông Pa, Nhà máy Điện năng lượng mặt trời Chư Ngọc-LICOGI 16, Nhà máy Chế biến rau quả (giai đoạn 2) của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao; nhiều dự án điện gió khác đang triển khai thực hiện.
Đầu tháng 9-2020, Công ty cổ phần Điện gió Ia Bang (TP. Pleiku) được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy Điện gió Ia Bang 1 tại xã Ia Bang (huyện Chư Prông) với công suất thiết kế 50MW và sản lượng điện dự kiến khoảng 146.190 MWh/năm; tổng mức đầu tư khoảng 2.200 tỷ đồng.
Xúc tiến đầu tư bài bản, chuyên nghiệp, hiệu quả.
Những năm gần đây, Gia Lai liên tục tổ chức các hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư, tuyên truyền, quảng bá, kêu gọi đầu tư bằng nhiều hình thức khác nhau ở cả trong và ngoài nước. Bên cạnh 3 hội nghị xúc tiến đầu tư, tỉnh còn phối hợp tổ chức thành công các hội thảo, tọa đàm kết nối đầu tư.
Tỉnh cũng tổ chức 6 đoàn công tác đi quảng bá, xúc tiến đầu tư tại các nước: Ấn Độ, Cộng hòa Séc, Nam Phi, Hàn Quốc, New Zealand và Nhật Bản nhằm tăng cường thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào địa phương; hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn nâng cao năng lực cạnh tranh, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, số lượng đối tác, doanh nghiệp nước ngoài đến Gia Lai tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư ngày càng tăng.
Đặc biệt, những khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư luôn được chính quyền địa phương và các sở, ngành quan tâm tháo gỡ kịp thời; môi trường đầu tư kinh doanh cũng được cải thiện; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) ngày càng được nâng cao.
Ngoài ra, tỉnh còn ban hành nhiều cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư, hỗ trợ cắt giảm chi phí; sửa đổi các điều kiện kinh doanh; cải cách thủ tục hành chính thông thoáng, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn nhằm thu hút các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư lớn đến với địa phương.
Nói về kết quả thu hút đầu tư vào tỉnh, ông Hồ Phước Thành nhấn mạnh: “Công tác thu hút đầu tư của tỉnh trong những năm qua không chỉ tăng mạnh về số lượng dự án mà còn đa dạng các lĩnh vực đầu tư, từ nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi đại gia súc, công nghiệp chế biến, cảng cạn, chợ đầu mối quốc tế, bất động sản đến phát triển năng lượng tái tạo. Đây là minh chứng rõ nét nhất cho những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh đang từng ngày được các nhà đầu tư đánh thức”.
Nhận định tình hình, tạo cơ hội bứt phá.
Mặc dù công tác thu hút đầu tư đã có nhiều khởi sắc, song khó khăn, thách thức vẫn không ít. Hạ tầng kết nối của tỉnh tương đối yếu khi không có đường sắt, đường biển lẫn đường sông. Thực tế đó làm phát sinh nhiều khoản chi phí gián tiếp, kéo theo việc tăng giá thành sản phẩm khiến nhiều nhà đầu tư còn e dè.
Thêm vào đó, tỉnh ta chưa có nhiều khu/cụm công nghiệp nên khi một loạt nhà đầu tư tìm đến thực hiện dự án phải giải phóng mặt bằng lớn, cộng với việc nhiều người dân thiếu hợp tác làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế nên chưa sâu sát, thấu đáo và kịp thời trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp khiến việc tiếp xúc với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nước ngoài bị hạn chế.
Để tạo cơ hội bứt phá trong phát triển kinh tế-xã hội ở giai đoạn tiếp theo, cùng với việc nỗ lực khắc phục những tồn tại, hạn chế, tỉnh sẽ tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh; rà soát các danh mục kêu gọi đầu tư đang có lợi thế, khả năng để bổ sung. Vừa qua, UBND tỉnh đã quyết định bổ sung 27 dự án vào danh mục kêu gọi đầu tư giai đoạn 2020-2021, nâng tổng số dự án kêu gọi đầu tư trong giai đoạn này lên con số 215.
Theo Thu Hà
"https://vietnamhoinhap.vn/article/gia-lai-diem-sang-trong-thu-hut-dau-tu---n-35043"