Trung tâm Lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) vừa thông báo danh sách 3.190 lao động bị xử lý tiền ký quỹ, do có hành vi tự ý ở lại Hàn Quốc trái pháp luật sau khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Theo đó, căn cứ thông tin do cơ quan chức năng Hàn Quốc cung cấp, kết quả xác minh của Sở LĐTB&XH các tỉnh, thành phố và kết quả tiếp nhận đăng ký thực hiện thủ tục thanh lý hợp đồng của người lao động, Trung tâm quyết định thông báo danh sách những lao động bị xử lý tiền ký quỹ, do có hành vi tự ý ở lại Hàn Quốc trái pháp luật sau khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Theo Trung tâm Lao động ngoài nước, người lao động có ý kiến phản hồi hoặc kiến nghị khác về kết quả xác minh nêu trên có thể liên hệ với Trung tâm, hoặc hộp thư điện tử xacminhthongtin.eps@gmail.com để được hỗ trợ. Sau thời gian 10 ngày, Trung tâm Lao động ngoài nước sẽ đơn phương thanh lý hợp đồng và thông báo với Ngân hàng Chính sách xã hội, để xử lý khoản tiền người lao động đã ký quỹ trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc theo quy định.
Hàn Quốc hiện là một trong những thị trường lao động trọng điểm, thu hút nhiều lao động Việt Nam sang làm việc. Trong năm 2023, Việt Nam đã đưa được 11.626 lao động sang thị trường này. Với người lao động Việt Nam, Hàn Quốc cũng là thị trường thu hút nhiều lựa chọn sang làm việc. Thu nhập bình quân của người lao động từ 1.500 - 2.000 USD/tháng.
Theo Bộ LĐTB&XH, thực hiện ký quỹ đối với người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài, là một trong những chính sách, biện pháp nhằm tăng cường quản lý người lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc, giảm tỷ lệ lao động ở lại bất hợp pháp.
Theo đó, người lao động trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (Chương trình EPS) phải thực hiện ký quỹ 100 triệu đồng tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài nhiều năm qua là chủ trương của Đảng, Nhà nước. Nhiều địa phương trên cả nước thúc đẩy việc đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài.
Việc này không những giải quyết việc làm cho người dân mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là lao động đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh đã giải quyết được bài toán đào tạo nghề, việc làm, góp phần giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân miền núi.