Theo Bộ Công Thương, hiện Việt Nam có khoảng trên 5.100 loài cây dược liệu. Tổng số loài cây thuốc có nhu cầu sử dụng trong Y học cổ truyền khoảng 800 loài, tổng số loài thảo dược có nhu cầu sử dụng trong công nghiệp dược phẩm khác, thực phẩm chức năng khoảng 300 loài, tổng nhu cầu về lượng khoảng 30.000 tấn/năm.
Ngoài việc được sử dụng trong sản xuất thuốc, cây dược liệu còn được sử dụng cho các sản phẩm chăm sóc cá nhân như nước giải khát, chăm sóc răng miệng, chăm sóc da, chăm sóc tóc, chăm sóc cơ thể, mỹ phẩm trang điểm cũng như công nghiệp thực phẩm. Các dòng sản phẩm này không bị quản lý chặt chẽ như thuốc, không đòi hỏi hàm lượng hoạt chất cao mà vẫn mang lại lợi ích cho sức khỏe và đáp ứng được xu hướng của người tiêu dùng.
Nhiều loài có giá trị cao, là dược liệu quý được thế giới công nhận như sâm Ngọc Linh, thông đỏ, hoa hoè, trinh nữ hoàng cung, giảo cổ lam... Tổng giá trị xuất khẩu thảo dược Việt Nam được ước lượng khoảng 400 triệu USD/năm, trong đó đóng góp chính là quế, hồi và thảo quả. Sản xuất và xuất khẩu quế của Việt Nam đứng thứ ba thế giới về sản lượng, sau Indonesia và Trung Quốc. Hiện diện tích quế ở Việt Nam đạt khoảng 150.000ha, chiếm 17% diện tích quế toàn cầu.
Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp sản xuất dược phẩm, thực phẩm chức năng, chế biến thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm toàn cầu, sự phổ biến rộng rãi của văn hóa ẩm thực sử dụng hương liệu tự nhiên, truyền thống, mang đậm bản sắc của các quốc gia.
Đến nay, ngành nông nghiệp và công nghiệp chế biến cây dược liệu của Việt Nam đã dần chuyển sang giai đoạn phát triển bền vững theo hướng giảm dần các sản phẩm thô, canh tác truyền thống, tăng cường sản phẩm chế biến chuyên sâu có giá trị cạnh tranh cao hơn, đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị.
Đây là lợi thế có thể giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm từ cây dược liệu Việt Nam trong tương lai, không chỉ tạo nên thương hiệu mà còn đưa Việt Nam trở thành nguồn cung quế và dược liệu quan trọng trên thị trường thế giới.
Có thể nói, tiềm năng phát triển ngành dược liệu ở Việt Nam rất lớn và nếu tập trung phát triển có thể trở thành một ngành kinh tế kỹ thuật không chỉ phục vụ cho công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân vùng dân tộc thiểu số miền núi, nông thôn, mà còn có thể xuất khẩu đóng góp tăng trưởng GDP cho nền kinh tế quốc gia.
Để các sản phẩm dược liệu mang thương hiệu Việt từng bước khẳng định ra thế giới rất cần sự liên kết của 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông, nhà doanh nhân.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tổng hợp nhu cầu hỗ trợ và kiến nghị, đề xuất để tập trung giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo giải quyết nhằm góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm cây dược liệu, hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị.
Việt Nam kỳ vọng nhiều vào việc phát triển các vùng trồng thảo dược, nâng tầm các loại cây có giá trị kinh tế cao, hướng đến mục tiêu xuất khẩu ra nước ngoài, đạt giá trị cả tỷ USD. Rất nhiều chính sách hỗ trợ phát triển ngành nông nghiệp nói chung, phát triển trồng cây dược liệu nói riêng đã được nhà nước ban hành. Tuy nhiên, doanh nghiệp đầu tư vào trồng cây dược liệu, tiếp cận với các chính sách hỗ trợ của nhà nước vẫn rất khó.
Theo các chuyên gia, để tăng kim ngạch xuất khẩu dược liệu, nước ta cần phải hình thành các vùng sản xuất dược liệu chuyên canh, tập trung, quy mô đủ lớn; phải được quản lý truy xuất nguồn gốc và chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới; về thực hành tốt nuôi trồng và thu hái và sản xuất dược liệu hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế cũng như của các nước nhập khẩu. Trong đó để tham gia cạnh tranh với thị trường dược liệu toàn cầu, rất cần sự đầu tư đồng bộ, từ việc mở rộng quy mô, phát triển các vùng trồng dược liệu đến việc ứng dụng khoa học - công nghệ bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng cũng như đa dạng hóa sản phẩm.