Doanh thu công nghệ thông tin đạt hơn 149,3 tỷ USD năm 2024

31/03/2024 09:00

Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu năm 2024, doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin sẽ đạt 3.636.752 tỷ đồng (hơn 149,3 tỷ USD) và năm 2025 lên mức 3.828.160 tỷ đồng (157,1 tỷ USD).

Tại hội nghị lần thứ 2 về hợp tác số toàn cầu, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định viễn thông và công nghệ số là một trong những lĩnh vực Việt Nam đầu tư ra nước ngoài đem lại thành công lớn cho Việt Nam.

Doanh thu công nghệ thông tin đạt hơn 149,3 tỷ USD năm 2024- Ảnh 1.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, ngành công nghiệp công nghệ số nước ta có những bước phát triển đáng khích lệ thể hiện qua số lượng doanh nghiệp công nghệ số tăng 30%, doanh thu tăng 32%. Đáng chú ý, tỷ trọng "make in Viet Nam" tăng từ 21% lên 29%. 

Riêng lĩnh vực sản xuất phần mềm cho nước ngoài tăng 43%. Hiện có tới 1.500 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang hoạt động tại nước ngoài, có doanh thu từ nước ngoài; tổng doanh thu năm 2023 đạt 7,5 tỷ USD.

Đầu tư ra nước ngoài lĩnh vực thông tin và truyền thông có 207 dự án với tổng vốn đăng ký 2,82 tỷ USD, chiếm gần 13% tổng vốn đăng ký. Các dự án viễn thông có quy mô lớn tập trung vào các nước châu Phi; các dự án công nghệ thông tin quy mô nhỏ tập trung vào Singapore, Mỹ, Nhật Bản.

Chi tiêu cho công nghệ thông tin của thế giới được dự báo đạt 5.100 tỷ USD trong năm 2024, tăng 8% so với năm 2023, trong đó, chi tiêu cho dịch vụ công nghệ thông tin và phần mềm chiếm 51% và có tốc độ tăng trưởng cao nhất, tương đương 11,6% và 14,1%.

Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu năm 2024, doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin sẽ đạt 3.636.752 tỷ đồng (hơn 149,3 tỷ USD) và năm 2025 lên mức 3.828.160 tỷ đồng (157,1 tỷ USD).

Để đạt mục tiêu đề ra, các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam tăng cường tính minh bạch chuỗi cung ứng bằng cách triển khai công nghệ số. Việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế không chỉ giúp hệ thống các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng yêu cầu các nước đặt ra mà còn giúp tăng khả năng cạnh tranh. 

Cùng với đó, tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lao động tay nghề cao; chú trọng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và an ninh mạng là những vấn đề quan trọng giúp các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được nhu cầu của thị trường thế giới và duy trì lợi thế cạnh tranh.

Minh An (t/h)