Tại Tọa đàm giữa các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và doanh nghiệp nhân Hội nghị ngoại giao 31, trao đổi về vai trò của doanh nghiệp, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam khẳng định, doanh nghiệp chính là nền tảng xây dựng đất nước và doanh nghiệp cần có chỗ đứng nhiều hơn nữa trong trái tim, chính sách của Việt Nam
Đại sứ Vũ Hồng Nam cho rằng, không có thị trường nào khó tính và đòi hỏi cao hơn thị trường và người tiêu dùng Nhật Bản. Nếu vào được thị trường Nhật Bản thì đó là niềm tự hào của hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam. Vào được thị trường Nhật Bản thì uy tín của chúng ta sẽ tăng lên. Chưa kể thị trường Nhật Bản sức mua rất tốt.
Đại sứ Vũ Hồng Nam khuyến nghị, chúng ta hiện đã có các FTA như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)… để tận dụng tốt những lợi thế này thâm nhập thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp phải chủ động hơn, phải làm ngay, tiếp cận ngay, sản phẩm của họ thuộc dòng thuế nào, yêu cầu gì? Ngoài ra, các quy định pháp luật, cơ sở thuế, thị trường, các tiêu chuẩn kỹ thuật… doanh nghiệp cũng cần phải tìm hiểu và tuân theo.
Theo Đại sứ Vũ Hồng Nam, có rất nhiều nông sản Việt Nam có thể xuất sang Nhật, từ rau mùi, rau muống, quả cà cho tới mắm tôm, nước mắm... nông sản của Việt Nam và Nhật Bản không mang tính cạnh tranh, mà mang tính bù trừ cho nhau, do vậy nông sản Việt Nam vẫn sẽ luôn có chỗ đứng tại thị trường Nhật Bản, vấn đề là phải đảm bảo được yêu cầu kỹ thuật của phía bạn.
Chia sẻ một câu chuyện thú vị trong quá trình hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với thị trường Nhật Bản, Đại sứ Vũ Hồng Nam kể lại, trong một lần đến tham quan Hội đồng thành phố, ông có tình cờ gặp các em thiếu nhi và được biết, các em đều biết đến quả vải của Việt Nam nhưng chưa có cơ hội được thưởng thức. Ngay sau đó, Đại sứ đã gửi một thùng vải đến tận trường nơi các em đang theo học và nhận được phản hồi rất tốt từ phía nhà trường và các phụ huynh.
“Ngay sau đó đại diện của Aeon Mall đã liên hệ ngay với chúng tôi và nói rằng: Các ông đã làm được điều mà chúng tôi chưa làm được. Rõ ràng, chỉ một hành động nhỏ và đơn giản thế thôi, quả vải Việt Nam đã đến được với người tiêu dùng Nhật theo cách gần gũi nhất”, Đại sứ Vũ Hồng Nam chia sẻ.
Tọa đàm giữa các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và doanh nghiệp nhân Hội nghị ngoại giao 31 vào sáng 10/12/2021
Y học cổ truyền Việt Nam có nhiều bước tiến mới
Chia sẻ tại Toạ đàm, bà Nguyễn Thị Hương Liên, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Sao Thái Dương đánh giá, Hội nghị Ngoại giao lần 31 là sự kiện quan trọng, cho thấy vai trò của doanh nghiệp, vai trò của người dân trong phát triển kinh tế quốc dân cũng như hộ gia đình.
"Chúng tôi rất xúc động khi những nỗ lực từ trước đến nay đã được ghi nhận, bên cạnh đó, sự giúp đỡ của Bộ Ngoại giao và Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Sự kiện này đã cung cấp nhiều thông tin, tìm hiểu thị trường, giúp các doanh nghiệp kết nối với các đại sứ để gửi gắm tâm tư trong hoạt động kinh doanh tại nước ngoài", bà Hương Liên nói.
Giới thiệu về Sao Thái Dương là công ty cóeh kinh nghiệm 21 năm trong ngành nghiên cứu, sản xuất sản phẩm thảo dược Việt Nam. Văn hoá sử dụng thảo dược đã rất quen thuộc ở Việt Nam đã thành truyền thống. Trong khi đó, ngày nay, các thị trường phát triển như Mỹ, ở châu Âu khi nghiên cứu về Đông y, chăm sóc sức khoẻ, cũng đều hướng về các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên.
"Việt Nam từ trước đến nay nổi tiếng trong xuất khẩu về lúa gạo, tuy nhiên, phát triển hướng về sản phẩm tự nhiên sẽ là một xu hướng mới, trong đó có y tế. Sao Thái Dương mong muốn trong thời gian tới chúng ta sẽ có những bước tiến đưa nền y học cổ truyền Việt Nam đến với thế giới", Phó Tổng Giám đốc Sao Thái Dương chia sẻ.
Doanh nghiệp "đặt hàng" các cơ quan ngoại giao hỗ trợ mở rộng thị trường
Chia sẻ về tình hình các doanh nghiệp trong ngành gỗ và lâm sản, ông Ngô Sỹ Hoài – Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội cho biết, tại Việt Nam có hơn 6.000 doanh nghiệp khác nhau, trong đó có hơn 3.000 doanh nghiệp tham gia trong hoạt động chế biến và xuất khẩu. Hiện nay, Việt Nam đã trở thành trung tâm chế biến, xuất khẩu gỗ lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc, xuất khẩu sản phẩm gỗ đến 140 thị trường, ngược lại, nhập khẩu từ 110 quốc gia.
Ông Ngô Sỹ Hoài "đặt hàng" các cơ quan đại diện ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ mở rộng thị trường, dù sản phẩm gỗ và lâm sản của Việt Nam đã có mặt ở nhiều nơi, nhưng tiềm năng còn nhiều, vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục khai thác. Ngành gỗ đã tham gia rất sâu vào thị trường gỗ thế giới, trong quá trình này, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn và rào cản… vai trò của các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài rất quan trọng. Các cơ quan này có thể giúp cung cấp thông tin, cảnh báo về thị trường, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp kết nối, tháo gỡ từng bước để doanh nghiệp hoà nhập tốt hơn, khẳng định vị trí, thương hiệu trên thị trường nước ngoài.
Cho rằng doanh nghiệp không đơn độc trên con đường tìm kiếm và thâm nhập thị trường thế giới, bà Bùi Thị Thanh Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh và Chế biến nông sản Bảo Minh đưa ra "đơn đặt hàng" rất cụ thể với các đại sứ, trong đó mong muốn có một tổ tham mưu cho doanh nghiệp về thị trường, luật lệ và các vấn đề liên quan. Từ đó, doanh nghiệp hứa với những lợi ích có được, họ sẽ tiếp tục truyền cơ hội cho nông dân Việt Nam, cũng như mang lại hạnh phúc cho họ.
Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam khẳng định, những sản phẩm mà doanh nghiệp Việt Nam có thế mạnh như dược phẩm, gỗ, nông sản… đều là những hàng hoá mà thị trường Nhật Bản đang thiếu, tuy nhiên vẫn cần sự chủ động hơn nữa của doanh nghiệp.
“Tại sao chúng ta lại phải ngồi chờ? Thị trường của chúng ta có rồi?” Đại sứ Vũ Hồng Nam đặt vấn đề? Ông chia sẻ, bình thường thì doanh nghiệp khi sang tìm hiểu thị trường các nước, thường xin được gặp các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở sở tại, còn “tại Nhật Bản, Đại sứ sẽ hỏi doanh nghiệp ở đâu, có hoạt động ở đâu, chúng tôi sẵn sàng đến chia sẻ và tìm hiểu cùng các bạn. Chúng tôi sẽ luôn tìm kiếm doanh nghiệp để hỗ trợ”.