Doanh nghiệp "vượt qua sóng gió"
Quán triệt Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19, các chuyên gia kinh tế cho rằng Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong suốt thời gian qua.
Theo thông tin từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có rất nhiều gói hỗ trợ của Chính phủ triển khai tới các doanh nghiệp, một số doanh nghiệp đã tiếp cận và sử dụng gói hỗ trợ một cách hiệu quả.
Dù vậy, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Sunhouse, vẫn đề xuất: Cần chia 2 nhóm Quỹ hỗ trợ, thứ nhất các doanh nghiệp trong khu vực bị phong tỏa cần được hỗ trợ ngay về thuế; thứ hai hỗ trợ các đối tượng khó khăn; thứ ba nên chia nhóm doanh nghiệp để xây dựng các gói hỗ trợ. Nhóm doanh nghiệp lớn chiếm 80% nguồn thu ngân sách cần hỗ trợ mở cửa thị trường, đón các đoàn chuyên gia nước ngoài trong bối cảnh dịch hay các điều kiện để mở rộng sản xuất. Nhóm cuối cùng là những nhóm siêu nhỏ - họ chỉ có một con đường sống, khi mà giãn cách xã hội khoanh vùng cần có hỗ trợ ngay dựa trên đóng góp của họ. Còn nhóm những doanh nghiệp không may thì dùng quỹ kêu gọi xã hội.
Có những doanh nghiệp không tiếp cận gói hỗ trợ mà đã tự vượt qua được sóng gió, tìm những biện pháp thích nghi với hoàn cảnh để duy trì và phát triển. Một trong những biện pháp mà các doanh nghiệp lựa chọn để vượt qua được những khó khăn trong thời kỳ dịch bệnh là thương mại điện tử.
Điển hình như Công ty CP Gốm Đất Việt gặp không ít khó khăn vì COVID-19. Nếu tình hình dịch bệnh còn kéo dài, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm của đơn vị cũng sẽ giảm. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Gốm Đất Việt vẫn có niềm tin rằng đây chỉ là khó khăn tạm thời, bởi hoạt động sản xuất của công ty tận dụng được nguồn nguyên liệu tại chỗ nên không bị phụ thuộc vào sự biến động giá cả của nguồn nguyên liệu khi có dịch bệnh xảy ra. Do vậy, ngoài việc tăng cường phòng chống dịch, đơn vị vẫn đảm bảo duy trì sản xuất và việc làm cho người lao động. Đồng thời, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm với giá thành tốt nhất. Cùng với hình thức bán hàng truyền thống, công ty đang chú trọng đẩy mạnh bán hàng trực tuyến thông qua hệ thống thương mại điện tử để tiếp cận các cơ hội kinh doanh mới.
Chịu tác động trực tiếp từ dịch bệnh COVID-19, Công ty TNHH Nhựa Quốc Tế Anh Tú cũng đứng trước những thách thức tưởng chừng khó vượt qua. Do dịch bệnh, căng tải, cước vận tải biển tăng quá cao cũng như biến động lớn về chi phí nguyên vật liệu đầu vào đã ảnh hưởng tới giá thành sản phẩm, gây khó khăn cho kinh doanh. Doanh nghiệp phải đối mặt với việc chốt đơn hàng khó khăn vì ảnh hưởng giá và chi phí lớn.
Tuy nhiên, từ khi chuyển qua bán hàng trên sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp này đã nhận được nhiều đơn hàng hơn, ổn định sản xuất, tự tin mở rộng hoạt động. Từ một công ty non trẻ, hiện tại các sản phẩm chậu trồng hoa, chậu trồng cây của công ty đã được đông đảo người dùng biết đến không chỉ trong nước mà ở cả mạng lưới siêu thị tại Hàn Quốc, Nhật Bản, và gần nhất là Mỹ.
Tăng trưởng thấp nhưng an toàn
Mặc dù các doanh nghiệp đã có nhiều giải pháp để tự mình vươn lên, vượt qua đại dịch nhưng vẫn rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ, của các bộ, ban ngành. Mới đây, Bộ Tài chính đã tiếp tục đề xuất Chính phủ gia hạn các loại thuế, phí và lệ phí năm 2021 cho doanh nghiệp.
Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TP.HCM, cho rằng đề xuất của Bộ Tài chính là rất kịp thời, rất tốt cho DN, ít nhất trong thời điểm DN báo cáo thuế một phần năm trước và quý 1 đầu năm nay.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng hoàn toàn ủng hộ đề xuất của Bộ Tài chính: "Muốn cho DN "sống" lại ngay trong và sau dịch, phải tiếp tục giãn thuế, phí để DN có nguồn tiền mặt chi phí cho các khoản khác ngay từ đầu năm. Việc giãn thuế, phí trong bối cảnh này là yếu tố cực kỳ tích cực, khi DN hoạt động tương đối ổn định, cơ quan thuế sẽ thu sau. Mặc dù ngân sách Nhà nước đang khó khăn, nhưng việc chậm thu dăm ba tháng vẫn trong khả năng của chúng ta. Quan trọng là phải rà soát cắt giảm mạnh mẽ các chi tiêu không cần thiết, tự khắc ngân sách sẽ bớt gánh nặng bội chi, cho dù nguồn thu tạm ít trong thời gian. Cải cách, cắt giảm chi tiêu mới là quan trọng".
Dù vậy, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, chưa biết bao giờ mới kết thúc, một số doanh nghiệp Việt Nam đã lựa chọn xu hướng tăng trưởng thấp hơn, thu nhập thấp hơn nhưng an toàn hơn.
Đa số các doanh nghiệp đều trong tâm thế bảo toàn thực lực, phát triển sản xuất, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động. Đối với các DN, tuy còn có những khó khăn do giá cả vật tư nguyên liệu đầu vào gia tăng, sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn nhưng với việc triển khai tiêm phòng vaccine đồng loạt trên phạm vi toàn cầu và sự kiểm soát tốt đại dịch trong nước, niềm tin vào thị trường đang trở lại.
Ngoài ra, các DN còn tự liên kết trao nhau cơ hội là cách tự thân mà mỗi DN, đặc biệt là DN khởi nghiệp cùng hỗ trợ nhau để tồn tại. Bên cạnh đó, các DN vẫn rất cần Chính phủ tiếp tục các giải pháp điều chỉnh, hỗ trợ gia hạn thời hạn nộp thuế; các khoản tiền được hồi tố, hoàn trả cho DN... Việc hỗ trợ chỉ được coi là có hiệu quả khi DN nhận được những chính sách bằng các tác động trực tiếp và cụ thể.