Điện gió ngoài khơi “hút” nhà đầu tư như thế nào?

22/11/2021 11:15

Trong báo cáo “Lộ trình gió ngoài khơi” tại Việt Nam của Ngân hàng Thế giới ghi rõ: Việt Nam có tiềm năng đạt được công suất gió ngoài khơi từ 11 GW đến 25 GW cho đến năm 2035, có thể tạo ra tới 700.000 việc làm mỗi năm và giảm thiểu được 217 triệu tấn khí thải CO2.

Như vậy, điện gió ngoài khơi Việt Nam đang được nhiều chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là một loại hình năng lượng giúp Việt Nam thu hút những khoản đầu tư nước ngoài, thay cho công suất các nguồn điện than dự kiến sẽ cắt giảm trong nhiều năm tới.

Thực tế thì, Việt Nam may mắn sở hữu một số điều kiện tự nhiên rất tốt cho việc phát triển năng lượng gió ở khu vực Châu Á như: Tốc độ gió cao nhất và các vị trí gió ngoài khơi tốt nhất tập trung ở ngoài khơi Bình Thuận và Ninh Thuận. Tốc độ gió tốt được tìm thấy ở xa hơn và dọc theo bờ biển. Việt Nam có lợi thế lớn là có các khu dân cư lớn dọc theo bờ biển và các khu vực có tốc độ gió cao, nơi mực nước tương đối nông. Việt Nam cũng có công nhân lành nghề ở khu vực ngoài khơi, năng lực sản xuất mạnh mẽ và các bến cảng hiện đã được gia cố.

Theo Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (Global Wind Energy Council - GWEC), thế giới đang đón nhận điện gió ngoài khơi - công suất gió ngoài khơi toàn cầu sẽ tăng từ 29GW vào năm 2020 lên hơn 234 GW vào năm 2030, dẫn đầu bởi sự tăng trưởng theo cấp số nhân ở Châu Á - Thái Bình Dương và tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ ở Châu Âu. Các quốc gia khác khởi đầu từ chính sách cho điện gió bãi triều/gần bờ như: Đan Mạch và Trung Quốc cũng đã hoàn toàn chấp nhận điện gió ngoài khơi. Thế mạnh là vậy, liệu Việt Nam có tận dụng các điều kiện ven biển, đạt được an ninh về cung cấp năng lượng, tạo việc làm và cung cấp năng lượng điện gió sạch ngoài khơi trong những năm tới?

Ông Sean Huang, Copenhagen Offshore Partners (COP) - đơn vị đang tham gia phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn tại Việt Nam, là Quản lý Phát triển của COP nhận định: Thị trường điện gió ngoài khơi ở Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức, đòi hỏi phải nâng cấp cơ sở hạ tầng, cơ chế pháp lý và các chuỗi cung ứng hiện có.  “Room” cho điện gió và những cơ chế khuyến khích đằng sau cho loại hình năng lượng này vẫn còn là ẩn số.

Ông Sean Huang cũng đánh giá cao tầm nhìn và quyết tâm của Đảng và Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch và bền vững. Bởi theo ông, điện gió ngoài khơi là một ngành công nghệ đã được chứng minh có thể giúp Việt Nam giảm sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch cũng như hướng tới đạt được các mục tiêu đưa mức khí thải ròng về 0 (Net Zero) và chuyển đổi sang năng lượng sạch, bền vững được nêu rõ tại Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 Một dự án điện gió tại thành phố Bạc Liêu. (Ảnh: Chanh Đa/TTXVN)

Tiềm năng để thu hút nhà đầu tư về với điện gió ngoài khơi Việt Nam, được ông Sean Huang phân tích: “Với các yếu tố công suất cao có thể cạnh tranh với các nhà máy nhiệt điện (khoảng 50%) và khi đạt công suất phụ tải tối đa, điện gió ngoài khơi sẽ mở ra tiềm năng to lớn, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và tạo sự phát triển cho chuỗi cung ứng địa phương tại Việt Nam. Không chỉ các nhà đầu tư nước ngoài sẵn sàng tham gia vào thị trường Việt Nam, mà cả các công ty dầu khí trong nước, bao gồm cả Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, đều đang chú ý đến việc chuyển đổi ngành năng lượng theo hướng phát triển điện gió ngoài khơi.

Để đạt được tất cả các mục tiêu, điều quan trọng là đảm bảo một số dự án đầu tiên được đưa vào phát điện, vận hành thành công và được phát triển bởi những tập đoàn có năng lực và kinh nghiệm phát triển. Chính phủ có thể bắt đầu với một vài GW công suất cho các dự án điện gió ngoài khơi thí điểm với các ưu đãi giá FIT phù hợp để thúc đẩy ngành.

Q.N
Bạn đang đọc bài viết "Điện gió ngoài khơi “hút” nhà đầu tư như thế nào?" tại chuyên mục KINH TẾ.