Những đề xuất đưa ra nhằm hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và các mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh Điện Biên nói chung và ngành công thương nói riêng.
Tháo gỡ khó khăn cho từng lĩnh vực cụ thể
Về điện lực, Điện Biên kiến nghị Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng bố trí, bổ sung nguồn vốn cho các chương trình cấp điện nông thôn và di dân tái định cư thủy điện Sơn La. Đồng thời, tỉnh kiến nghị đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các trạm biến áp và tuyến đường dây 110kV, 220kV, cũng như sớm phê duyệt điều chỉnh quy hoạch các công trình thủy điện vừa và nhỏ.
Hiện nay, Điện Biên là một trong những tỉnh có quy hoạch cấp điện nông thôn đạt kết quả tốt với 100% xã, phường, thị trấn có điện và tổng số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt tỷ lệ gần 90%. Con số này có thể không phải cao so với một số tỉnh thành khác nhưng trong điều kiện còn nhiều khó khăn thì nó cho thấy sự nỗ lực lớn của Điện Biên.
Công tác phát triển nguồn và lưới điện trên địa bàn tỉnh cũng đã được thực hiện tốt, hiệu quả.
Bộ Công Thương thời gian qua đang rất tích cực tìm kiếm giải pháp, đặc biệt về cơ chế và nguồn vốn, để thực hiện các dự án, đề án có hiệu quả tại địa phương. Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với Điện Biên, chỉ đạo sát sao Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị điện lực giải quyết khẩn trương những vướng mắc còn tồn tại để đẩy nhanh tiến độ phát triển điện lực trên địa bàn tỉnh.
Về đầu tư, thương mại, Điện Biên đề nghị Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ có cơ chế đặc thù trong việc thu hút đầu tư hoặc bố trí nguồn kinh phí để xây dựng hạ tầng thương mại; Tăng cường hỗ trợ thực hiện các đề án, chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, xúc tiến đầu tư cũng như hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực.
Tỉnh kiến nghị Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương trong thời gian tới tiếp tục đàm phán với phía Trung Quốc để nâng cấp lối mở A Pa Chải (Việt Nam) – Long Phú (Trung Quốc) lên thành cửa khẩu song phương.
Đồng thời, Điện Biên cũng đề nghị Bộ Công Thương hỗ trợ triển khai lập quy hoạch và xây dựng cũng như thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp vào hoạt động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong nhiều lĩnh vực.
Điện Biên những năm vừa qua đã có sự quan tâm kịp thời trong công tác cải tạo các chợ, đầu tư phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19, tỉnh đã thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công Thương, sớm xây dựng 5 phương án cung cấp hàng hóa thiết yếu theo các cấp độ của dịch bệnh.
Bộ Công Thương cũng đã quan tâm cùng Điện Biên xây dựng các điểm bán, các phiên chợ hàng Việt, hàng OCOP; triển khai thí điểm mô hình chợ an toàn thực phẩm; cũng như đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm địa phương và hỗ trợ đào tạo nhân lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với tỉnh thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình kích cầu toàn quốc, phát triển hệ thống hạ tầng thương mại, hệ thống phân phối hiện đại, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh bày tỏ sự đánh giá cao đối với tinh thần chủ động, quyết liệt của tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra là thực hiện mục tiêu kép về phòng chống dịch bệnh gắn với khôi phục phát triển kinh tế xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Bày tỏ sự chia sẻ, thông cảm với những thách thức và áp lực đang đặt ra với địa phương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định Bộ Công Thương ý thức rõ về trách nhiệm sát cánh cùng Điện Biên tháo gỡ khó khăn, giao các đơn vị bắt tay vào thực hiện kế hoạch phối hợp với tỉnh một cách có hiệu quả trong từng lĩnh vực cụ thể.
Trong đó, cần đẩy mạnh công tác tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khôi phục hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, coi đây là nhiệm vụ then chốt đảm bảo cho phát triển chung của tỉnh. “Chúng tôi chia sẻ với những nỗ lực và kết quả tích cực của Điện Biên trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh trong thời gian qua, thể hiện qua các chỉ số như PAR INDEX hay PAPI, nhưng chúng ta cần nỗ lực hơn nữa”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định.
Cần tập trung phối hợp hiệu quả trong 5 lĩnh vực
Để đạt được những mục tiêu này, Bộ trưởng cho rằng hai bên cần tập trung phối hợp hiệu quả trong 5 lĩnh vực.
Về quy hoạch, giao Vụ Kế hoạch phối hợp cùng Điện Biên hoàn tất sớm công tác rà soát xây dựng quy hoạch chiến lược, đây là nền tảng quan trọng để có thể tiếp tục định hướng, xây dựng các quy hoạch trong những lĩnh vực cụ thể.
Về nhân lực, tổ chức các chương trình đào tạo, phổ biến kiến thức chuyên môn và pháp luật cho các cán bộ cơ quản lý nhà nước tại địa phương và cả cộng đồng doanh nghiệp, nâng cao nguồn nhân lực trên địa bàn toàn tỉnh.
Về thị trường, cần coi đây là nhiệm vụ trọng tâm. Các đơn vị thuộc Bộ Công Thương xây dựng cơ chế khai thác, cung cấp thông tin thị trường trong các lĩnh vực, phục vụ địa phương khai thác tốt nhu cầu thị trường về công nghệ, thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu hội nhập quốc tế.
Đặc biệt, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch làm việc với Điện Biên về thương mại bao gồm xuất nhập khẩu và thị trường nội địa trên cơ sở năng lực sản xuất thực tế của địa phương và cơ hội mở rộng năng lực sản xuất đó thông qua thu hút đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng thương mại.
Xác định rõ kế hoạch phát triển thị trường trong và ngoài nước gắn với sản phẩm cụ thể, “hiểu người hiểu mình”, biết địa phương có thế mạnh gì, phù hợp với thị trường nào, từ đó phối hợp lại tổ chức sản xuất, vượt qua các hàng rào kỹ thuật để tiến sâu hơn vào thị trường đó.
Trong công tác thị trường, cần xác định rõ hai yếu tố: Một là, đổi mới phương thức xúc tiến thương mại, đầu tư trên nền tảng số, phát triển thương mại điện tử; Hai là, tạo điều kiện nhiều hơn cho liên kết, kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất - phân phối, doanh nghiệp trong nước - ngoài nước, thúc đẩy mọi thành phần kinh tế tham gia vào khai thác phát triển thị trường.
Về năng lượng, Bộ trưởng giao Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo xây dựng kế hoạch giải phóng tiềm năng phát triển năng lượng của địa phương, trên cơ sở đảm bảo quy định pháp luật, vấn đề môi trường và an sinh xã hội của người dân.
Về công nghiệp, Bộ trưởng giao Cục Công nghiệp căn cứ chiến lược, chương trình hành động cấp quốc gia để xây dựng kế hoạch phát triển lĩnh vực công nghiệp tại các tỉnh Tây Bắc, cụ thể hóa tại từng địa phương theo nguồn lực phù hợp với định hướng mà tỉnh đã phê duyệt.
Đồng thời, cần cụ thể hóa các chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ có điều kiện khởi nghiệp tham gia phát triển hoạt động sản xuất công nghiệp tại Điện Biên. Mặt khác, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ địa phương hoàn thiện các khu, cụm công nghiệp, tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư phát triển.
Đối với những vấn đề mà tỉnh Điện Biên nêu ra không nằm trong thẩm quyền quản lý của Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh nhất định sẽ có tiếng nói đến cấp Trung ương như Chính phủ và Quốc hội để sát cánh cùng địa phương thực hiện mục tiêu kép trong thời gian tới.
Theo Minh Anh
"https://thuonghieucongluan.com.vn/lam-gi-de-dien-bien-vuot-kho-phat-trien-a107846.html"