Tại họp báo tổng kết hoạt động kết quả kinh doanh năm 2021 của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), ông Đinh Việt Tùng Phó Tổng giám đốc SCIC đã chia sẻ thông tin về hoạt động đầu tư tại Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines).
Ông Tùng cho rằng hoạt động của Vietnam Airlines sẽ còn khó khăn.
"Hiện nay vấn đề của Vietnam Airlines là dòng tiền, chi phí cố định một tháng của Vietnam Airlines là 1.600 tỷ (không làm gì cũng mất từng đó tiền), một con số tác động rất lớn.
Hiện Vietnam Airlines đang xây dựng đề án tái cấu trúc trong đó có phương án tăng vốn thông qua phát hành cho cổ đông hiện hữu hoặc phát hành cho cổ đông bên ngoài.
Vốn chủ sở hữu trước đây của Vietnam Airlines là 14.000 tỷ, tăng thêm 8.000 tỷ là 22.000 tỷ. Việc tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu bị vướng vấn đề tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại Vietnam Airlines vì hãng hàng không quốc gia phải do Nhà nước chi phối, do đó vẫn phải phụ thuộc vốn vay và vốn bên ngoài.
Chúng tôi kì vọng có thể phát hành trái phiếu doanh nghiệp có bảo lãnh của Chính phủ với thời gian dài. Với Vietnam Airlines 5 năm tới tình hình kinh doanh được đánh giá chưa thể "về mặt đất" được. Vì bảo lãnh của Chính phủ bị tính vào trần nợ công, hiện nợ công của chúng ta về ngưỡng cho phép nên chúng tôi kỳ vọng việc phát hành trái phiếu có bảo lãnh Chính phủ trong nước và quốc tế với kỳ hạn dài để Vietnam Airlines có thời gian phục hồi và trả nợ.
Việc tái cấu trúc đội bay, Vietnam Airlines đã đàm phát với các chủ cho thuê tàu bay huỷ hoãn giá trị gần 1 tỷ USD, giai đoạn từ nay đến 2025.
Việc tái cấu trúc các khoản đầu tư, đang rà soát lại tại các công ty thành viên Vietnam Airlines, cơ cấu lại, thu hẹp đầu mối, cải thiện kết quả kinh doanh, bù đắp lỗ luỹ kế..bên cạnh các giải pháp về chính sách: giá trần, giá sàn, tăng giảm phí, cơ chế hoạt động trong ngành hàng không…"
Theo ông Tùng, các giải pháp này dự kiến sẽ gỡ khó cho Vietnam Airlines thời gian tới.
Thực tế, chi phí máy bay với hãng hàng không là rất lớn, Vietnam Airlines đang đàm phán với 11 bên cho thuê và có kết quả tích cực. Động thái này có thể giúp hãng hàng không quốc gia giảm chi phí trực tiếp, giãn hoãn thanh toán.
Bên cạnh việc đàm phán với bên cho thuê, hãng đang xây dựng phương án bán, tái cơ cấu tài sản và đẩy sớm chương trình hiện đại hoá đội tàu bay. Trong tháng 12, Vietnam Airlines đã đưa ra phương án bán tiếp 9 tàu bay A321 và 6 tàu ATR72. Trong giai đoạn từ 2022 đến cuối năm 2023, Vietnam Airlines sẽ xây dựng phương án bán 12 tàu bay A321 nữa.
Chia sẻ với báo giới, ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines tiết lộ nếu tính năng lực sản xuất giờ bay mà có thể cung ứng ra thị trường, thì hiện tại Vietnam Airlines chỉ bay được khoảng bằng 25% so với giai đoạn trước COVID-19.
Thị trường chưa phục hồi, chưa bay được, thì chưa có dòng tiền. Ưu tiên đầu tiên của Vietnam Airlines hiện nay là làm thế nào để có dòng tiền duy trì hoạt động. Thứ hai là xử lý âm vốn chủ sở hữu. Trong 2 năm qua, mỗi năm Vietnam Airlines lỗ khoảng 8.000 đến 10.000 tỷ. Trong khi trước đó, năm lời nhất là được khoảng 3.000 tỷ. Nếu khủng hoảng kéo dài, Vietnam Airlines sẽ phải mất 10 năm để có thể bù lỗ luỹ kế.