Đan Phượng (Hà Nội): Khu công nghiệp chưa hoàn thiện hạ tầng đã đưa vào sử dụng

12/03/2020 20:38

Bài 1: Người dân sống chung với ô nhiễm môi trường Tại huyện Đan Phượng (Hà Nội) có nhiều DN về đầu tư với các loại hình sản xuất (cơ sở làm gỗ ép, sản xuất bim bim, đúc nhôm, nấu nhựa, chế tạo máy biến thế, chế biến than, khu giết mổ gia cầm…).

Dân nơm nớp lo sợ

Điều đáng nói, các cơ sở sản xuất khá gần với khu dân cư trên địa bàn nên người dân không ít lần kêu than bởi đã phải sống trong khói, bụi, mùi hỗn tạp đến ngộp thở từ khi các cơ sở này về hoạt động.

Bên cạnh đó, nhiều người cũng cho biết, quanh khu vực Sông Cùng và Cầu Gáo, có hàng chục công ty nhưng  không hề gắn biển hiệu nên không biết sản xuất những gì. Trong khi đó, mùi phát tán nồng nặc múi khét, hắc; khói đen mù mịt…

Ông Nguyễn Văn.H (Cầu Gáo) cho biết: Các công ty thi nhau xả khói bụi đen sì ra môi trường, cũng không biết độc hại đến đâu nhưng khi khói bay tầm thấp bạt chết cả lúa của chúng tôi, mùi lan tỏa kháp khu dân cư khiến ai cũng thấy ngột ngạt, khó thở, nhất là người già và trẻ nhỏ thường xuyên bị viêm đường hô hấp.

Cũng giống ông H, bà Nguyễn Thị M (một công nhân tại khu CN Cầu Gáo) chia sẻ: “Các công ty xả khói cả ngày và đêm, bốc mùi rất khó chịu, mùi  như đốt than tổ ong, bụi bay vào mắt rất dặm, ngày nào cũng thế, nhưng kêu mãi cũng vẫn vậy và đành sống chung với khói bụi, mùi…”

Nhiều người bán hàng bên điểm CN Sông cùng cho rằng, bao nhiêu công ty, nhà máy ở khu vực này thì dân không biết nhưng hàng ngày phải ngửi hỗn tạp các loại mùi, khói đen cuồn cuộn thì dân ở đây phải chịu mãi rồi. Cũng vì miếng cơm manh áo cố mà chịu để ra đây buôn bán.

“Nhiều hôm bịt kín mít khẩu trang dày mà vẫn không hết mùi. Có người thì cho rằng đó là mùi sản xuất bim bim, người lại nói do mấy ông đúc nhôm, cũng có người cho rằng do mấy cơ sở ép ván gây mùi vì đun củi từ các loại gỗ tạp, như bàn, ghế, có dính sơn…Người dân chúng tôi chỉ mong được giữ môi trường sạch để đảm bảo sức khỏe thôi.

Cống có căn trắng nghi là hóa chất

Nguy hiểm nhất, có nhà máy sản xuất máy biến thế, nước thải sản xuất dường như chưa được xử lý đã xả ra thẳng ra mương, ngay cạnh ruộng lúa của dân. Nước có cặn trắng, chỗ thì cặn vàng như là hóa chất độc hại, chúng tôi không ai dám lội xuống dưới mương vì sợ…”, chị Nguyễn Thị.T nói.

Từ phản ánh của người dân, phóng viên đã mục sở thị và ghi nhận thấy: Dòng nước chảy ra phía sau nhà máy sản xuất máy biến thế chảy ra dòng nước đặc cặn trắng, bám trên bụi cỏ um tùm phía trên rãnh nước nhỏ nhìn như sơn trắng, lắng dưới đáy nhìn như bột mà người dân đã nghi vấn là hóa chất rửa bề mặt nguyên liệu sản xuất bị rò rỉ ra ngoài…

“Hạ tầng chưa được hoàn thiện”…

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Bá Toàn, Phó Giám đốc Công ty cổ phần chế tạo biến thế điện lực Hà Nội (công ty MBT) cho biết: “Đối với khu nhà máy chúng tôi thuê ở đây thì thật ra chưa hoàn thiện được tất cả mọi thứ. Về vấn đề nước thải, không mang tính chất độc hại nhiều và gồm cả nước thải sinh hoạt nữa… Công ty đã thuê một đơn vị xử lý chất thải”.

Trái ngược với khẳng định của ông Toàn, khi đại diện công ty đưa phóng viên ghi nhận thực tế và khảo sát nhà máy thì: rãnh nước thải của nhà máy đã được xây gạch nhằm chặn dòng nước có cặn trắng, vết xi măng còn mới. Điều đáng nói, trước khi PV vào khảo sát nhà máy ít giờ thì Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đan Phương đã tới kiểm tra, làm việc với nhà máy (theo nội dung công văn của THCL).

Việc công ty MBT “khẩn trương” xây gạch chặn dòng nước thải trong khi đại diện công ty khẳng định “nước thải ít độc hại và gồm cả nước thải sinh hoạt” đã khiến dư luận càng thêm hoài nghi về sự rò rỉ của hóa chất độc hại ra môi trường.

Ông Đào Quang Thế - Trưởng phòng hành chính nhân sự

Khi  được hỏi về một số hồ sơ tài liệu  về môi trường như, báo cáo đánh giá tác động môi trường, hợp đồng với nhà thầu phụ xử lý chất thải, bản vẽ thiết kế sơ đồ khu xử lí nước thải… thì ông Đào Quang Thế - Trưởng phòng hành chính nhân sự (người được Công ty MBT cử làm đại diện làm việc với PV) hẹn sẽ cung cấp sau.

Tiếp tục với câu hỏi, nếu xảy ra sự cố khu xả thải thì phương án dự phòng ở đâu và hoạt động như thế nào? ông Thế im lặng không trả lời.

Chỉ xử lý được về mặt hồ sơ…

Phóng viên đã có buổi làm việc cùng phòng TNMT huyện Đan Phượng về trường hợp một số công ty xả khói bụi đen, ông Nguyên Minh Tuấn, trưởng phòng TNMT huyện cho biết, tất cả các trường hợp, hầu hết chỉ xử phạt về mặt hành chính. Nếu như các công ty có hệ thống quan trắc môi trường tự động thì họ không cãi được vì số liệu được lưu giữ tự động. Mỗi lần chúng tôi nhận được phản ánh, theo cảm quan thì đúng là khói đen, nhưng khi chúng tôi làm việc lại phải có lịch thông báo xuống đơn vị nói rõ ngày phòng TNMT sẽ xuống đơn vị để lấy mẫu thì khi đó mọi cái sẽ khác với ngày thường, nó sẽ rất chỉn chu, mẫu vẫn trong giới hạn cho phép, không vượt quy chuẩn nên không thể xử lý được.

Các trường hợp đã  từng bị xử phạt hành chính về lỗi hồ sơ về môi trường như Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Bảo Hà; Công ty TNHH xây dựng Wincons; Công ty TNHH sản xuất và thương mại VP8 thành đạt; Công ty TNHH giấy và thiết bị công nghiệp BCK. Nếu như sau một năm kiểm tra không chấp hành lại tiếp tục xử phạt có tình tiết tăng nặng. Với quan điểm làm việc không bao che, xiết chặt quản lý.

Riêng về nguồn nước thải công nghiệp xả ra từ nhà máy MBT, phòng TNMT huyện đã xuống kiểm tra và lấy mẫu nước đi phân tích, đợi có kết quả sẽ thông tin với cơ quan báo chí, ông Tuấn cho biết.

Phát triển kinh tế là quy luật tất yếu của cuộc sống, tuy nhiên, cần gắn liền với việc bảo vệ môi trường, đưa ra được các phương án bảo vệ môi trường trước khi đi vào sản xuất; đánh giá tác động môi trường trước khi được phê duyệt dự án là các yếu tố vô cùng quan trọng.

THCL sẽ tiếp tục đăng tải tới bạn đọc!

Theo Linh Tuệ

"https://thuonghieucongluan.com.vn/dan-phuong-ha-noi-khu-cong-nghiep-chua-hoan-thien-ha-tang-da-dua-vao-su-dung-a89619.html"