Tham dự Hội thảo, về phía Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, có Tiến sỹ Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Thượng tướng, Viện sỹ, Tiến sỹ Nguyễn Huy Hiệu - nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Lê Phúc Nguyên - nguyên Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân.
Về phía Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển, có Tiến sỹ Phạm Việt Long - nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản lý; Thạc sỹ Nguyễn Thị Hoa - Chủ tịch Hội đồng Quản lý kiêm Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển; bà Nguyễn Bích Hà - Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa và Phát triển.
Hội thảo khoa học "Đại tướng Võ Nguyên Giáp - nhà Quân sự thiên tài, nhà Văn hóa lớn" được tổ chức nhằm tôn vinh và tổng kết những bài học từ những đóng góp to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tư cách là một người anh hùng vĩ đại, một nhà quân sự kiệt xuất, một nhà văn hóa lớn, một nhân cách Việt Nam cao đẹp, ngời sáng, trong bảo tồn và phát huy các tinh hoa của nền văn hóa truyền thống Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc.
Hội thảo là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, hiệu quả, có sức lan tỏa lớn và hiệu ứng tích cực được tổ chức chào mừng dấu mốc lịch sử của Quân đội Nhân dân Việt Nam cũng như công lao to lớn của Đại tướng,
Hội thảo có tất cả 41 bài tham luận xuất sắc viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong số đó, nổi bật lên là các bài viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, như các bài viết của Thượng tướng, TS Nguyễn Huy Hiệu; Thượng tướng, TS Lê Hữu Đức; Thượng tướng Bế Xuân Trường; Thượng tướng Lê Huy Vịnh; Trung tướng Trần Hoài Trung; Trung tướng Nguyễn Văn Hiền; Trung tướng Lê Phúc Nguyên; Đại tá PGS.TS Trần Nam Trân; Đại tá PGS.TS Phạm Đình Chiến; Đại tá, TS Vũ Tang Bồng; Đại tá Vũ Xuân Tiễu; Đại tá Phạm Hồng Thái; Đại tá Phùng Thị Hoan; Đại tá PGS.TS Nguyễn Văn Sáu… Và nhiều bài viết của các nhà nghiên cứu, giảng viên ở các trường Đại học hàng đầu trong nước.
Ở khía cạnh quân sự, một lần nữa khẳng định Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người có công lao, đóng góp to lớn trong việc xây dựng và phát triển Quân đội Nhân dân Việt Nam hùng mạnh, chính quy, tinh nhuệ, ngày càng hiện đại. Dưới góc nhìn văn hóa, khẳng định Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người hội tụ và tỏa sáng văn hóa quân sự Việt Nam, nhà văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam.
Hội thảo là diễn đàn khoa học để các nhà khoa học, nghiên cứu giới thiệu những phát hiện mới, làm rõ hơn về Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ dưới góc nhìn quân sự mà còn ở lĩnh vực văn hóa. Đồng thời, thông qua Hội thảo, các công trình được công bố giúp bạn đọc, nhất là giới trẻ ngày nay, có điều kiện tiếp cận, tìm tòi để hiểu thêm về phẩm chất, đạo đức, tính cách và tài năng, công lao và cống hiến của Đại tướng, cũng như những tình cảm của nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế đối với Đại tướng.
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, TSKH. Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vutsa) cho biết: ''Trong hội thảo khoa học rất có ý nghĩa hôm nay, chúng ta càng thêm tự hào về Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp - nhà quân sự kiệt xuất, nhà văn hóa lớn của dân tộc. Cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta nguyện phấn đấu học tập và làm theo tấm gương của Đại tướng. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao Hội thảo do Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển tổ chức lần này. Tôi tin tưởng, với vai trò là đơn vị thành viên của Vutsa, Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển sẽ tiếp tục phát huy, nghiên cứu và lan tỏa tới các thế hệ người Việt Nam và bạn bè quốc tế những giá trị lịch sử, văn hóa của hơn bốn ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước Việt Nam''.
Cuộc hội thảo còn cho ta thấy một Đại tướng, Nhà Văn hoá lớn của dân tộc, Đại tướng đã tự học theo lời cha dặn từ bé rồi đi thi vào trường Quốc học Huế khi mới 14 tuổi. Ông thi đỗ vào trường Luật rồi làm thầy giáo dạy lịch sử và tự học và sử dụng thành thạo cả tiếng Anh, Pháp, Trung, Triều Tiên, Nga, các tiếng dân tộc Tày Nùng, Mường, Dao… để lãnh đạo nhân dân, quân đội nhân ta trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ - đưa ra những góp ý cho việc sáng lập, viết bài cho báo, viết sách. Đại tướng luôn tôn trọng đội ngũ trí thức, các nhà giáo dục đào tạo, giáo viên, Đại tướng đã chắp bút cho những vấn đề có tính chiến lực, những nhiệm vụ trước mắt và lâu dài...
Không chỉ tỏa sáng rực rỡ trong lĩnh vực Quân sự, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là một trong những nhà văn hóa lớn của Việt Nam. Đại tướng là một vị tướng huyền thoại văn võ song toàn đã thể hiện rõ nhất tính nhân văn của một người làm tướng, lấy võ nghiệp để thực hành triết lý nhân văn và tinh thần cống hiến của đời minh. Nhờ thế mà Đại tướng đã trở thành nhà quân sự tài ba, lỗi lạc, nhà văn hóa lớn, khiến thế giới phải nghiêng mình kính phục. Trên thế giới, bậc danh tướng của mọi thời đại võ công hiển hách được tôn vinh không hiếm. Nhưng bậc danh tướng văn võ song toàn, lại là nhà văn hóa lớn như Đại tướng Võ Nguyên Gáp, phải nói là hiếm có.
Học tập và làm theo Tư tưởng Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn nhận rõ vị trí và ý nghĩa của văn hóa. Cái cốt lõi trong tư tưởng văn hóa của Đại tướng là lòng yêu nước thương dân, thương yêu con người, thương đồng chí, đồng đội và đồng bào, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Và Đại tướng còn đề cao: ''Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khan nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng''. Truyền thống đó không chỉ mang đậm bản chất cách mạng của giai cấp công nhân, tính dân tộc mà còn thể hiện sâu sắc tính nhân dân - giá trị văn hóa đặc sắc của một đội quân từ nhân dân mà ra, luôn ''sẵn sàng vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh, xứng đáng với với sự tin cậy của Đảng và niềm tin yêu của nhân dân''.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp - nhà văn hóa lớn, kết tinh những giá tri sáng tạo và nhân văn về tinh thần đoàn kết chiến đấu, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ, làm cho sức mạnh chiến đấu của quân đội tang lên không ngừng, càng đánh càng thắng. Vượt ra ngoài hoạt động quân sự thuần túy, nét đặc sắc trong văn hóa quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thể hiện cô đọng ở tinh thần chiến đấu, sự gắn bó keo sơn, mật thiết, quân với dân ''như cá với nước'', cùng chung sức đồng lòng để chống thù trong giặc ngoài của người lính Cụ Hồ.
Đó là hiện thân của sức mạnh ''lòng người'' mà không thế lực nào có thể cản phá, chia tách tình đoàn kết gắn bó của 54 dân tộc anh em trong một mặt trận thống nhất, tình đồng đội, đồng chí như anh em ruột thịt một nhà, sự gắn bó ''môi hở răng lạnh'', quân với dân một chí, giữa bộ đội, chiến sỹ Quân đội với nhân dân và mối tình đoàn kết chung một chiến hào chiến đấu của quân đội ta với quân đội và nhân dân các nước Đông Dương và các nước trên thế giới.
Đóng góp to lớn nhất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho nền văn hóa dân tộc Việt Nam là ở nhân cách cao đẹp của chính con người ông. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một người cộng sản trong như ánh sáng, rất mực yêu thương dân, thực sự suốt đời Vĩ công vi thượng. Đây là một Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang nhân dân, đại trí, đại dũng, biết đau với từng vết thương, biết tiếc tùng giọt máu của chiến sỹ. Đó là một vị Đại tướng bách chiến, bách thắng, nhưng luôn khoan hòa khiêm cung. Đồng thời Đại tướng cũng là một học giả hết sức uyên bác, luôn nói những lời giản dị, dân dã.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị "khai quốc công thần", luôn nhẫn nhịn chịu thua thiệt dù theo cách phủ tuyết cả ngọn núi lửa trong mình như nhận xét của một nhà báo người Pháp, Đại tướng vẫn giữ nguyên vẹn niềm tin vào chiến thắng của lý tưởng, của lẽ công bằng, sự chính trực. Đại tướng đã cho mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân Việt Nam một tấm gương sáng để soi mình'' - Tham luận của ThS. Trần Xuân Hùng (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội) với nội dung tham luận "Đại tướng Võ Nguyên Giáp với vấn đề Văn hóa Việt Nam".
Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuất thân là một nhà trí thức lớn, có lòng yêu nước nồng nàn, sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng cao đẹp, được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp dìu dắt. Đại tướng là một trong những người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đại tướng đã không ngừng tự học, tu dưỡng để trở thành một trong những nhà khoa học quân sự thiên tài, nhà nghệ thuật quân sự xuất sắc, nhà văn hóa lớn, người Anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng.
Phát biểu tại hội thảo, ThS, Nguyễn Thị Hoa - Tổng Biên tập Tạp chí Điện tử Văn hóa và Phát triển, cho hay: ''Đại tướng Võ Nguyên Giáp là biểu tượng không chỉ của tài năng quân sự, mà còn của nhân cách và trí tuệ Việt Nam. Ở ông, cái "võ" đạt đến đỉnh cao nhờ cái "văn" làm nền tảng. Cái "văn" ấy không chỉ là sự nhân văn trong tư duy chiến lược mà còn là kết tinh từ mảnh đất quê hương Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, nơi có dòng sông Kiến Giang như một dòng chảy bất tận của tình yêu thương và văn hóa dân tộc.
Chúng ta, những thế hệ hôm nay, không chỉ học ở Đại tướng cách chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc, mà còn học cách làm người, cách sống có trách nhiệm với quê hương, đất nước. Đó chính là di sản lớn lao nhất mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp để lại cho dân tộc Việt Nam''.