Cước vận tải biển tăng, doanh nghiệp nhỏ dễ bị ảnh hưởng

18/06/2024 09:10

Các hãng tàu thường tăng cước vận tải với các đơn hàng nhỏ lẻ, thuê ngắn hạn. Còn với các chủ hàng lớn, chân hàng ổn định gần như không bị ảnh hưởng bởi biến động giá cước.

Theo Thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, thời gian qua, giá dịch vụ vận tải container trên thế giới tăng 12%, trong đó giá dịch vụ từ châu Á đến châu Âu tăng từ 11-14% và từ châu Mỹ về châu Á không đổi. Riêng với các tuyến nội Á ổn định hơn, tăng nhẹ khoảng 5-10%.

Cước vận tải biển tăng, doanh nghiệp nhỏ dễ bị ảnh hưởng- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Nhiều doanh nghiệp cảng dự báo thời gian tới, cùng với nguy cơ thiếu container rỗng cục bộ, giá cước vận tải biển có thể tăng chạm ngưỡng thời điểm dịch COVID-19. Việc tăng giá có thể là tăng chung để đảm bảo chi phí của các hãng tàu. Trong đó, hãng tàu chủ yếu tăng phí xếp dỡ THC và các phụ phí khác.

Nhiều hãng tàu lớn như Maersk, Evergreen… đều đã thông báo tăng cước để bù đắp chi phí do những biến động của thị trường. Không riêng Việt Nam, các doanh nghiệp tại Thái Lan, Indonesia… cũng đang đối mặt với tình trạng tăng giá cước vận tải.

Với những biến động của giá cước hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều nhất chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, lẻ, ký hợp đồng thuê tàu ngắn hạn.

Còn với các doanh nghiệp lớn có chân hàng ổn định, các hãng tàu thường ký hợp đồng dài hạn từ 6 tháng - 1 năm nên sẽ không chịu nhiều tác động của biến đổi giá cước. Thế nhưng, vấn đề của Việt Nam là đa số doanh nghiệp nhỏ, ít doanh nghiệp lớn để có những đơn hàng lớn và ổn định.

Để xử lý dứt điểm vấn đề bị hãng tàu ngoại tăng giá cước vận tải, các chủ hàng Việt Nam cần có sự liên kết. Các hiệp hội cần thể hiện tính đoàn kết tốt hơn.

Cụ thể, các hiệp hội, ngành hàng có thể gom hàng lại để thỏa thuận với hãng tàu nước ngoài, không nên tự thỏa thuận riêng. Đặc hiệt, cần thay đổi tập quán mua CIF, bán FOB (tập quán mua bán hàng hóa với nước ngoài mà hàng hóa chỉ được giao và nhận tại cảng Việt Nam), chuyển sang mua FOB, bán CIF. Các doanh nghiệp cần phải nỗ lực đàm phán với khách hàng, tránh bị động.

Hiện nay, Cục Hàng hải Việt Nam có văn bản chỉ đạo các cảng vụ hàng hải, các chi cục hàng hải tăng cường giám sát giá dịch vụ tại cảng biển và giá và phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội, các doanh nghiệp cảng biển, các doanh nghiệp vận tải biển, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các cơ quan chức năng có liên quan trong việc giám sát chặt chẽ tình hình tắc nghẽn tại các bến cảng, tình hình cung cấp vỏ container phục vụ hàng hóa xuất nhập khẩu, báo cáo định kỳ Cục Hàng hải Việt Nam để đưa ra các giải pháp kịp thời.

Về dài hạn, Cục Hàng hải Việt Nam tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan (hải quan) đẩy nhanh tiến độ giải phóng hàng hóa tồn đọng lâu ngày tại cảng biển, cũng như bổ sung các quy định về phân bổ nguồn kinh phí nạo vét tuyến luồng để tăng cường trách nhiệm của các cơ quan liên quan.

Đồng thời, bổ sung cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng mô hình cảng xanh, tham gia tuyến hành lang vận tải xanh để có lợi thế hơn trong việc thu hút nguồn hàng và mở rộng tuyến vận tải.

Minh An (t/h)