Muốn bảo vệ bệnh viện, phải mở rộng xét nghiệm
Trong cuộc chiến chống Covid-19, bệnh viện là nơi có nhiều nguy cơ lây nhiễm và phát tán dịch bệnh. Để bảo vệ bệnh viện, cần nâng mức độ cảnh báo, cảnh giác lên mức cao nhất.
Theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Khám - Chữa bệnh, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, bệnh viện phải tổ chức cách ly, phân luồng bệnh nhân, đặc biệt coi bệnh nhân đến viện đều là F0.
Như vậy, các bệnh viện phải tổ chức sàng lọc xét nghiệm cho tất cả nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân ở các khu vực có dịch trong cộng đồng.
Các bệnh viện ở khu vực chưa có dịch trong cộng đồng thì định kỳ 3 ngày/tuần phải xét nghiệm cho các bác sĩ tuyến đầu như ở phòng khám bệnh, khoa hồi sức tích cực, thận nhân tạo và các bệnh nhân, người nhà bệnh nhân trong khu vực này.
Người bệnh không tự chi trả, bệnh viện lúng túng
PGS Nguyễn Hoài Nam - BV Đại học Y Dược TP.HCM cho biết, việc phải tăng cường xét nghiệm để không lọt lưới bệnh nhân Covid-19 khiến cho bác sĩ cảm thấy rất lúng túng, vì ngoài người bệnh đến từ vùng dịch tễ hoặc có dấu hiệu nghi ngờ, bản thân bác sĩ rất khó để biết ai cần xét nghiệm, ai không.
Thực tế cho thấy có đến 80% bệnh nhân Covid-19 không có triệu chứng nhưng quy định của BHYT chỉ chi trả cho những ca bệnh nào có triệu chứng, có khả năng gây bệnh. Quy định này cũng đúng vì quỹ BHYT có giới hạn, nếu ca nào cũng xét nghiệm và BHYT chi trả thì sẽ dẫn đến không đủ tiền chi trả. Nhưng nếu mở rộng xét nghiệm mà BHYT không chi trả thì ai sẽ là người trả, bệnh viện hay bệnh nhân?
Chính vì thế, khi bệnh nhân vào khám mà không sốt, không ho, không đau tức ngực thì bác sĩ cũng không thể quyết định cho xét nghiệm SARS-CoV-2. Trong khi đó, nhiều người bệnh cũng từ chối chi trả tiền cho xét nghiệm này vì họ cho rằng họ không có nguy cơ.
Một cán bộ khác tại bệnh viện ở Quảng Ninh cũng cho biết, quy định của Bộ Y tế về mở rộng xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho bệnh nhân rất khó thực hiện. Từ năm 2020, bệnh viện đã xét nghiệm sàng lọc Covid-19 nhưng đến thời điểm này BHYT vẫn chưa chi trả 1 đồng nào cho hạng mục này vì lý do chưa có văn bản hướng dẫn thanh toán.
Trong khi đó, bệnh viện tự chủ hoàn toàn, nguồn từ địa phương cũng không có, bênh viện phải bỏ tiền ra xét nghiệm cho nhân viên, một số bệnh nhân ở khu vực trọng yếu. Tuy nhiên, nếu thực hiện xét nghiệm thường xuyên chi phí sẽ đội lên rất lớn, bệnh viện tự chủ nên bài toán tài chính cũng cần xem xét. Hơn nữa, trong năm 2020, do ảnh hưởng dịch bệnh, doanh thu đều giảm đi ít nhiều nên các bệnh viện đều gặp khó khăn.
Phóng viên đã gửi câu hỏi tới Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn về việc nếu coi tất cả các bệnh nhân tới bệnh viện là F0 thì khi thực hiện xét nghiệm Covid-19, bệnh nhân có được BHYT chi trả hay không? Ông Sơn cho hay: "Hiện nay vẫn chưa có hướng dẫn, khi thực hiện xét nghiệm cho tất cả các bệnh nhân tới khám vẫn chưa có quy định bảo hiểm chi trả hay bệnh nhân phải chi trả. Để bảo vệ cho bệnh viện, nhân viên y tế thì các bệnh viện cứ thực hiện trước, sau này sẽ tính sau. Nếu yêu cầu bảo hiểm chi trả khoản xét nghiệm này cho bệnh nhân thì sẽ khó do liên quan tới nguồn ngân sách. Vì vậy hiện nay, khi bệnh nhân tới bệnh viện khám và làm xét nghiệm sẽ phải tự chi trả khoản này". Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Bộ Y tế đang thực hiện xét nghiệm cho bệnh nhân tới khám theo chỉ đạo của chính phủ. |
Bảo hiểm y tế: Không chi trả cho sàng lọc
Ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, đến thời điểm này chưa thể thống kê có bao nhiêu người được BHYT chi trả tiền xét nghiệm Covid-19. Theo quy định, bệnh nhân có triệu chứng sốt, ho sẽ được xét nghiệm Covid-19, nếu âm tính BHYT chi trả, dương tính ngân sách nhà nước chi trả. Hầu như chi trả đều chung với quá trình điều trị chứ không bóc tách chi trả BHYT cho xét nghiệm Covid-19.
Hơn nữa, không riêng bệnh Covid-19, bất cứ bệnh nhân đi khám BHYT cần có các dấu hiệu của bệnh mới được thanh toán theo diện BHYT, còn BHYT không chi trả cho sàng lọc. Ví dụ một người ho sốt sẽ được xét nghiệm Covid-19, hay 1 người đau rát họng sẽ được BHYT chi trả phiếu nội soi tai mũi họng. Vì vậy, việc bệnh nhân không có triệu chứng nhưng vẫn xét nghiệm Covid-19 là thuộc về sàng lọc cộng đồng. Khi sàng lọc cộng đồng thì chi phí đều do ngân sách chống dịch của địa phương chi trả.
Theo công văn số 2731/BHXH-CSYT của Bảo hiểm y tế (BHYT) Việt Nam hướng dẫn việc thanh toán chi phí xét nghiệm Covid-19 theo chế độ BHYT như sau: Thứ nhất, đối với người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế theo quy định tại các Khoản 2, 3 và 4 Điều 1 Nghị định số 101/2010/NĐ-CP: Quỹ BHYT không thanh toán chi phí xét nghiệm Covid-19. Thứ hai, đối với người có thẻ BHYT đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh BHYT được chỉ định xét nghiệm Covid-19 theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp ban hành kèm theo Quyết định số 3351/QĐ-BYT ngày 29/7/2020 của Bộ Y tế, gồm: Người bệnh có bất kỳ triệu chứng hô hấp nào và có tiền sử đến/qua/ở/về từ vùng dịch tễ có bệnh Covid-19 trong khoảng 14 ngày trước khi khởi phát các triệu chứng hoặc tiếp xúc gần với trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc xác định Covid-19 trong khoảng 14 ngày trước khi khởi phát các triệu chứng. Các trường hợp trên có kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính thì Quỹ BHYT thanh toán theo quy định của pháp luật về khám, chữa bệnh (KCB) BHYT. Đối với trường hợp có kết quả xét nghiệm Covid-19 dương tính, người bệnh bị áp dụng biện pháp cách ly y tế theo quy định: Quỹ BHYT không thanh toán chi phí xét nghiệm Covid-19. Nếu chiếu theo quy định trên của BHYT thì rất nhiều người bệnh tới viện khám bệnh thực hiện xét nghiệm Covid-19 sẽ phải chi trả tiền xét nghiệm. |