Cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh): Làm sao cân bằng phục hồi kinh tế và chống dịch?

14/07/2020 23:38

Những ngày qua, việc lưu thông hàng hóa giữa Việt Nam và Lào gặp nhiều ý kiến trái chiều, phàn nàn từ phía các doanh nghiệp vận tải. Điều này xuất phát từ việc các cơ quan chức năng áp dụng các quy định mới về phòng chống dịch Covid - 19 của Bộ Y tế trong “trạng thái bình thường mới” của xã hội.

Trong tình trạng đời sống xã hội và nền kinh tế toàn cầu bị đảo lộn bởi đại dịch Covid - 19, thành tích của Việt Nam rất đáng tự hào, nể phục, được thế giới ghi nhận. Mặc dù dân số đông, nền kinh tế hội nhập sâu rộng với khu vực cũng như thế giới, lại chung biên giới với Trung Quốc – nơi dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ, nhưng cho đến nay, Việt Nam không có một ca nào tử vong và đã một thời gian dài không có thêm ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Vì vậy, sau khi chấm dứt giai đoạn giữ khoảng cách xã hội, phải khẳng định rằng trọng tâm chống dịch tập trung chống lây nhiễm từ nước ngoài vào Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn. Hầu như các nước đều chưa mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế vì lo ngại dịch bệnh, riêng các chuyến bay nhân đạo hay mục đích khác được cấp phép nhưng khi nhập cảnh, hành khách đều phải cách ly để kiểm tra y tế. Thực tế đã chứng minh, các ca nhiễm virus mới được phát hiện đều là những người nhập cảnh về Việt Nam.

Sự tàn phá của đại dịch trên thế giới đã chứng minh, Đảng và Nhà nước ta đã có đường lối thực hiện việc phòng chống dịch hết sức đúng hướng, hiệu quả. Tình trạng người chết vì đại dịch ở Italya, Anh, Tây Ban Nha, Mỹ…  với con số hàng chục ngàn, trăm ngàn người là ví dụ điển hình dù ở các nước này có cơ sở vật chất y tế hết sức hiện đại.

Đó là những câu chuyện toàn cầu nhưng có mối liên hệ rất lớn ở tỉnh Hà Tĩnh. Cầu Treo là cửa khẩu xuất nhập khẩu hàng hóa lớn ở tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An và lượng khách du lịch đường bộ qua Lào, Thái Lan khá nhiều. Vì vậy, các cơ quan chức năng của địa phương đang phải giải bài toán khó, cân bằng giữa phát triển kinh tế và phòng chống đại dịch.

Trong thời gian qua, các cơ quan nhà nước ở cửa khẩu Cầu Treo nói riêng, tỉnh Hà Tĩnh nói chung đã làm rất tốt công tác phòng chống đại dịch. Ví dụ như trường hợp cô gái nhiễm virus khi nhập cảnh về nước qua cửa khẩu Cầu Treo đã được phát hiện kịp thời, cách ly, theo dõi nghiêm ngặt, không tạo cơ hội cho virus bị phát tán rộng.

Đối với việc phòng chống dịch bệnh trong lưu thông hàng hóa, cho đến trước ngày 18/6/2020, Công văn số 3165 ngày 20/5/2020 của UBND tỉnh Hà Tĩnh cho phép 01 lái xe/phương tiện vận chuyển làm thủ tục xuất nhập cảnh qua cửa khẩu Cầu Treo không phải thực hiện cách ly tập trung bắt buộc. Văn bản số 3165 ngày 20/5/2020 của Ủy ban tỉnh Hà Tĩnh được ban hành trên cơ sở tham mưu của các ban ngành chức năng và phù hợp với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (Văn bản số 808/VPCP-KTTH ngày 05/02/2020 của Văn phòng Chính phủ) cũng như quy định của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch (Công văn số 1546/CV-BCD ngày 24/3/2020).

Các tài xế tay xách nách mang chăn, chiếu và trao đổi với nhau giao giấy tờ trước khi đổi lái xe

 

Tuy nhiên, ngày 18/6/2020, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 2553/QĐ-BYT ban hành “Hướng dẫn tạm thời công tác kiểm dịch y tế phòng chống lây nhiễm Covid-19 đối với phương tiện và người điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa tại các cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không”. Văn bản này thay thế Hướng dẫn ban hành kèm theo Công văn số 829/BYT-MT ngày 21/2/2020 của Bộ Y tế và có hiệu lực ngay từ ngày ký.

Theo quy định tại điểm 1.2 mục III của Hướng dẫn nói trên, đối với người điều khiển và phương tiện vận tải đường bộ:

“Khi tham gia điều khiển phương tiện vận chuyển hàng hóa đến quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch COVID-19 và trở về Việt Nam:

- Chỉ được chở hàng đến khu vực giao, nhận hàng hóa ở khu vực cửa khẩu đường sắt, đường bộ, cảng hàng không, cảng biển, không đi sâu vào nội địa. Hạn chế rời khỏi phương tiện khi chờ lấy hàng hoặc chờ dỡ hàng. Tăng cường sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc từ xa để giảm tiếp xúc trực tiếp.

- Mặc quần áo phòng hộ, đeo khẩu trang đúng cách, kính, mũ, găng tay, bao giầy khi đến cửa khẩu, cảng biển hoặc trước khi rời tàu bay nếu là người điều khiển tàu bay. Khi về Việt Nam hoặc trước khi vào tàu bay nếu là người điều khiển tàu bay để bay về, phải loại bỏ quần áo phòng hộ, khẩu trang, kính mũ găng tay để thải bỏ tại khu vực lưu trú tạm thời của cửa khẩu, cảng và thực hiện kiểm dịch y tế theo quy định.

- Tự theo dõi nhiệt độ và sức khỏe hàng ngày, nếu có sốt hoặc ho, khó thở, mệt mỏi thì thông báo cho đơn vị quản lý và cơ quan y tế để xử lý kịp thời.

- Thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh cá nhân theo khuyến cáo của Bộ Y tế (rửa tay thường xuyên với xà phòng trong ít nhất 30 giây hoặc sử dụng dung dịch sát khuẩn có trên 60% nồng độ cồn, giữ vệ sinh khi ho, hắt hơi...), đảm bảo ăn uống hợp vệ sinh, có cốc uống dùng riêng, đựng khẩu trang và khăn giấy thải bỏ vào các túi đựng rác kín. Bỏ túi rác vào nơi quy định và rửa tay.

- Khi phải rời khỏi phương tiện: Hạn chế đến các khu vực tập trung đông người; giữ khoảng cách an toàn 1,5-2m khi tiếp xúc với người khác.

- Người điều khiển phương tiện (đường bộ, đường thủy, đường sắt) thực hiện đúng, đầy đủ các quy định trên không bị cách ly khi trở về, phải tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày và kịp thời báo ngay cho đơn vị quản lý và cơ quan y tế địa phương khi có biểu hiện sốt hoặc ho, khó thở.

Theo quy định tại điểm 1 mục IV của Hướng dẫn nói trên, đối với người điều khiển và phương tiện vận tải đường bộ đến từ hoặc từng đi qua quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch COVID-19:

 - Chỉ được chở hàng đến và hoạt động trong khu vực giao hàng ở khu vực cửa khẩu đường bộ, đường sắt, cảng hàng không, cảng biển, không đi sâu vào nội địa.

- Khi đến cửa khẩu đường bộ, đường sắt, cảng hàng không, cảng biển, người điều khiển phương tiện nên hạn chế ra khỏi phương tiện vận chuyển hàng hóa. Nếu ra khỏi phương tiện vận chuyển hàng hóa phải đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn theo quy định.

- Sau khi rời khỏi phương tiện vận chuyển hàng hóa, người điều khiển phương tiện sẽ phải di chuyển ra khu lưu trú tạm thời trong khu vực cửa khẩu đường bộ, đường sắt, cảng hàng không, cảng biển để làm thủ tục kiểm dịch y tế theo quy định.

- Khi đến khu vực kiểm dịch, cơ quan kiểm dịch y tế quốc tế thực hiện kiểm dịch trước khi thực hiện các thủ tục khác theo quy định.

- Đồ bảo hộ, kính mũ khẩu trang, bao giầy được cởi bỏ và để trong túi có dán nhãn chất thải lây nhiễm trong khu lưu trú tạm thời. Túi được đặt trong thùng có nắp đậy và dán nhãn theo đúng quy định về rác thải lây nhiễm.

- Vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, đeo khẩu trang và thực hiện đúng các quy định trên phương tiện vận chuyển hàng hóa hoặc trong khu vực lưu trú tạm thời tại khu vực cửa khẩu đường bộ, đường sắt, cảng biển, cảng hàng không.

- Trường hợp người điều khiển phương tiện có biểu hiện sốt hoặc ho, khó thở, mệt mỏi trên đường đi hoặc phát hiện khi thực hiện kiểm dịch y tế phải thực hiện cách ly y tế theo đúng quy định.

- Đối với các phương tiện vận chuyển có các điều kiện cho người điều khiển lưu trú thì được phép ở ngay trên phương tiện, không bắt buộc phải tới các khu lưu trú tạm thời.”

Thực hiện Quyết định số 2535/QĐ-BYT đã tạo ra nhiều khó khăn, làm phát sinh thêm nhiều chi phí cho doanh nghiệp. Không chỉ vậy, với việc văn bản có hiệu lực ngay lập tức đã làm doanh nghiệp bất ngờ, không kịp chuẩn bị. Quy định này trái với lẽ thông thường là khi văn bản được ban hành thì phải được đưa lên công báo và sau một thời gian mới có hiệu lực.

Tuy nhiên, trong tình hình đặc biệt như hiện nay, để đảm bảo được thành quả lớn lao trong công tác phòng chống dịch, việc văn bản có hiệu lực ngay lập tức là có thể hiểu được và cần phải được thi hành ngay vì tình hình dịch bệnh cấp bách.

Vấn đề đặt ra hiện nay là bên cạnh việc thực thi nghiêm chỉnh quy định mới của Bộ Y tế, các cơ quan quản lý trực tiếp cần nắm sát tình hình ở địa phương để có những giải pháp vừa đảm bảo thực hiện đúng quy định, vừa hỗ trợ doanh nghiệp không để chi phí phát sinh quá lớn, đồng thời căn cứ vào tình hình cụ thể để báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để điều chỉnh quy định cho phù hợp.

Hiện nay, Lào đã có một thời gian dài không có người nhiếm virus, số người bị nhiễm đều được điều trị khỏi. Ngày 10/6/2020, Thủ tướng Lào đã tuyên bố giành chiến thắng trong công cuộc chiến chống dịch COVID-19, sau khi toàn bộ 19 bệnh nhân mắc COVID-19 đã được xuất viện và không có ca nhiễm mới nào trong 60 ngày liên tiếp. Đây chính là những thông tin tích cực cần xem xét để các cơ quan chức năng ở tỉnh Hà Tĩnh kiến nghị với Bộ Y tế cũng như Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 điều chỉnh các quy định cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Những đoàn xe từ Lào về đang nằm chờ hoàn thiện các thủ tục tại cửa khẩu Cầu Treo

 

Bên cạnh việc luôn kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, đồng thời cũng cần nắm bắt tình hình thực tế sâu sát để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, chiếm lĩnh được thị trường mà các đối thủ cạnh tranh ở các quốc gia, vùng lãnh thổ khác còn bỏ trống. Hiện nay rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã nhìn thấy cơ hội trong gian khó, tuy nhiên để có thể nắm bắt được cơ hội thì cần sự chung tay của các cơ quan hữu quan.

Theo Thái Quảng và Nhóm PV

"https://phapluatvacuocsong.vn/cua-khau-cau-treo-ha-tinh-lam-sao-can-bang-phuc-hoi-kinh-te-va-chong-dich-17775.html?utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo&zarsrc=30"