Cổ phiếu ngân hàng tuần qua (10-14/1/2022) diễn biến trái chiều song sắc xanh áp đảo: 11 mã giảm giá và 16 mã tăng. Đặc biệt trong 2 phiên 12-13/1, cổ phiếu ngân hàng là nhóm nâng đỡ thị trường trong khi cổ phiếu bất động sản nằm sàn la liệt.
BID là cổ phiếu tăng mạnh nhất tuần này với mức tăng 13%, đóng cửa phiên cuối tuần ở mức 44.250 đồng/cp. Trước đó, trong năm 2021, BID là cổ phiếu ngân hàng duy nhất không tăng giá.
Cổ phiếu này tăng trong bối cảnh mới công bố sơ bộ kết quả kinh doanh. Lãnh đạo ngân hàng cho biết đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận được ĐHĐCĐ, NHNN thông qua. Ngoài ra, đáng chú ý là tỷ lệ nợ xấu của BIDV giảm mạnh xuống còn 0,81%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng vọt lên 235%, cao nhất trong các năm gần đây. Ngân hàng cũng vừa kết thúc đợt phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho nhà đầu tư vào ngày 12/1. Sắp tới ngày 24/1, cổ đông BID sẽ nhận thêm cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 2%.
Cổ phiếu tăng mạnh tiếp theo là STB (tăng 9,5%), đóng cửa phiên ở mức 35.000 đồng/cp, mức cao nhất từ trước đến nay. STB cũng đứng đầu về thanh khoản nhóm ngân hàng trong tuần qua với hơn 191 triệu cổ phiếu được trao tay giữa các nhà đầu tư, tăng 40% so với tuần trước.
Các cổ bank tăng mạnh tiếp theo là CTG (6,8%), KLB (4,7%), VCB (4,5%), MBB (3,7%),…
Ở chiều ngược lại, PGB giảm mạnh nhất (-7%), sau đó là NAB (-3,8%), BVB (-2,2%), LPB (-1,8%),…
Về khối lượng giao dịch, không chỉ STB tăng mạnh mà các mã khác như MBB, CTG, SHB cũng đều tăng mạnh 50-100% so với tuần trước. Thanh khoản của 3 cổ phiếu này tuần qua lần lượt là 75,2 triệu cp, 72,5 triệu cp, 70,5 triệu cp.
Khối ngoại có động thái mua ròng nhóm ngân hàng, trong đó một số mã được gom mạnh như STB, CTG, BID, VCB…STB được nhà đầu tư mua ròng hơn 4 triệu cp trong tuần qua, trong khi BID và VCB đạt hơn 2 triệu cp, CTG hơn 1,3 triệu cp,…
Cổ phiếu ngân hàng có diễn biến tích cực hơn trong tuần này, đặc biệt là 2 phiên 12-13/1 trong bối cảnh nhà đầu tư tháo chạy khỏi cổ phiếu bất động sản.
Các ngân hàng đang bước vào mùa công bố báo cáo kết quả kinh doanh năm 2021. Những ngân hàng đầu tiên hé lộ kết quả kinh doanh như BID, VCB, CTG, TPB,...đều ghi nhận tăng trưởng tích cực, bất chấp một năm khó khăn vì Covid. Ngoài việc hoàn thành kết quả lợi nhuận, những ngân hàng này đều gia tăng bộ đệm dự phòng nợ xấu trong năm vừa qua.
Theo báo cáo triển vọng thị trường năm 2022 của Chứng khoán Yuanta Việt Nam, việc tăng vốn sẽ là một chất xúc tác cho ngành ngân hàng trong năm 2022, đặc biệt là tại các ngân hàng nhà nước như BIDV, VietinBank và Vietcombank.
Hiện tại, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại, BIDV và Vietcombank vẫn còn dư nhiều room ngoại để gia tăng vốn hơn là VietinBank. Room ngoại còn lại của Vietcombank (6,4%) và BIDV (13,3%) cho thấy các ngân hàng này vẫn còn dư địa để gia tăng vốn thông qua phương thức bán cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, công ty chứng khoán này nhận thấy một vài ngân hàng hiện vẫn chưa hợp tác với các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, đồng nghĩa vẫn còn cơ hội để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài cho các ngân hàng đó trong tương lai.