Chuyên gia lý giải vì sao F0 covid-19 tái nhiễm sau chưa đầy 02 tháng?

25/02/2022 14:41

Thực tế cho thấy, thời gian qua thế giới và Việt Nam đã ghi nhận nhiều F0 Covid-19, đã xét nghiệm âm tính trở lại vẫn tái nhiễm SAR-CoV-2.

GS.TS Nguyễn Văn Kính, nguyên Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam cho biết, theo thời gian, kháng thể do SARS-CoV-2 tạo ra sau lần mắc đầu tiên sẽ bị giảm xuống. Điều này tương tự với việc tiêm vaccine Covid-19. Sau tiêm vài ba tháng, kháng thể sẽ dần giảm. Đó là lý do ngành y tế khuyến cáo tiêm các mũi bổ sung.

Thứ hai, virus SARS-CoV-2 có nhiều chủng, ngoài các chủng cũ như chủng gốc, Alpha, Delta thì mới đây đã xuất hiện các chủng mới như Omicron. Bệnh nhân đã mắc chủng này có thể nhiễm thêm một chủng khác do giữa các chủng virus không có miễn dịch chéo cho nhau, miễn dịch tạo ra bởi chủng trước không “ngăn chặn nổi” chủng sau.

Như vậy, một người đã nhiễm Delta và khỏi bệnh thì sau đó vẫn có thể nhiễm Omicron. “Cũng giống như bệnh sốt xuất huyết có 4 chủng virus gây bệnh. Nếu ở vùng dịch tễ, bệnh nhân có thể mắc cả 4 chủng đó vì không có miễn dịch chéo”, GS Kính thông tin.

“Covid-19 rất mới, chưa nghiên cứu được đầy đủ nên chưa thể khẳng định, người bệnh có diễn tiến nặng hơn khi tái nhiễm hay không”, GS Kính nói.

Ông cho biết thêm, riêng với chủng Omicron, theo dõi bước đầu trên thế giới ở một số nghiên cứu, người ta thấy Omicron xuất hiện ở những người đã nhiễm hoặc đã tiêm vaccine sẽ nhẹ hơn nhóm còn lại. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn đang được theo dõi, chưa có khẳng định chính thức.

GS.TS Kính khuyến cáo những người từng nhiễm Covid-19 và khỏi bệnh không nên chủ quan, vẫn cần tuân thủ tốt nguyên tắc 5K của Bộ Y tế để tránh nguy cơ tái nhiễm.

Nguyễn Dương