Chuyên gia dự báo ngành xuất khẩu tăng trưởng tốt về cuối năm

03/09/2024 10:30

Theo chuyên gia, các ngành xuất khẩu chủ lực như thủy sản; dệt may; điện thoại và máy tính; vẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì sản lượng và giá được cải thiện.

Theo phân tích của chuyên gia kinh tế, các ngành được kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu vào cuối năm, gồm:

Sản phẩm điện thoại và máy tính

Nhu cầu toàn cầu với sản phẩm điện thoại và máy tính (chiếm 60% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng công nghệ của Việt Nam) được dự báo tăng 4% trong 2024.

Ảnh báo Đầu tư.Chuyên gia dự báo ngành xuất khẩu tăng trưởng tốt về cuối năm: Điện thoại và máy tính. Ảnh báo Đầu tư.

Doanh số điện thoại toàn cầu kỳ vọng sẽ cải thiện nhờ nhu cầu tăng cao với sản phẩm điện thoại 5G. Trong khi đó, doanh số máy tính toàn cầu dự kiến sẽ tăng trở lại. Cùng với đó, lĩnh vực sản phẩm bán dẫn toàn cầu (chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng công nghệ) được dự báo sẽ tăng mạnh 17% trong 2024, nhờ việc tăng cường triển khai các công cụ tăng tốc xử lý công việc để hỗ trợ trí tuệ nhân tạo.

Chuyên gia của Công ty Chứng khoán PSI kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng công nghệ của Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong 2024 - 2025, với kỳ vọng đảo chiều của chu kỳ hàng công nghệ toàn cầu.

Ngành dệt may

Các chuyên gia kỳ vọng các đơn hàng sẽ tiếp tục được đảm bảo và gia tăng trong nửa cuối năm khi vào mùa mua sắm tại các thị trường lớn.

Đồng thời, trong nửa đầu năm 2024, tổng giá trị nhập khẩu nguyên liệu sản xuất như xơ, sợi và vải các loại tăng lần lượt 21% và 12% so với cùng kỳ năm 2023, đây là tín hiệu cho thấy tình hình các đơn hàng dệt, may xuất khẩu vẫn đang khá tích cực và nhiều triển vọng cho nửa sau của năm 2024.

Chuyên gia dự báo ngành xuất khẩu tăng trưởng tốt về cuối năm, hàng dệt may. Ảnh chinhphu.vn.Chuyên gia dự báo ngành xuất khẩu tăng trưởng tốt về cuối năm, hàng dệt may. Ảnh chinhphu.vn.

Ngành thủy sản

Sản lượng xuất khẩu cá tra của Việt Nam nửa đầu năm ghi nhận đạt 426 nghìn tấn (+17% so với cùng kỳ), tương đương với giá trị đạt 920 triệu USD (+4,8%). Sản lượng tăng cao giúp cho giá trị xuất khẩu tăng trưởng nhưng giá bán trung bình vẫn thấp hơn cùng kỳ 2023.

Nguyên nhân đến từ việc các doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc dù giá bán thấp hơn Mỹ và khai thác các thị trường nhỏ như Brazil, Mexico, Columbia… nhiều hơn để bù đắp cho nhu cầu tiêu thụ yếu tại Mỹ.

PSI kỳ vọng giá xuất khẩu cá tra tại các thị trường như: Mỹ, Trung Quốc, EU sẽ tiếp tục cải thiện trong nửa cuối năm do nhu cầu tăng lên khi bước vào mùa mua sắm phục vụ lễ hội. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc là một thị trường nhạy cảm về giá, giá bán bình quân ở thị trường này luôn thấp hơn khoảng 40% so với giá bán bình quân sang thị trường Mỹ. Do đó, mức giá xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ chỉ tăng nhẹ trong nửa sau của năm 2024.

Ảnh internet.Chuyên gia dự báo ngành xuất khẩu tăng trưởng tốt về cuối năm, xuất khẩu tôm. Ảnh internet.

Với mặt hàng tôm, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng so với cùng kỳ kể từ tháng Ba chủ yếu nhờ vào sản lượng tăng trưởng trong khi giá bán tại các thị trường vẫn chưa cải thiện nhiều.

Về sản lượng, công ty chứng khoán cho rằng sản lượng xuất khẩu sẽ tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn trong nửa sau năm 2024 do nhu cầu tiêu thụ tôm ở các thị trường được kỳ vọng sẽ cải thiện khi bước vào mùa cao điểm các dịp lễ cuối năm và lạm phát hạ nhiệt giúp cải thiện tiêu dùng.

Về giá bán, kỳ vọng giá bán tại thị trường Nhật Bản sẽ tăng lên nhờ việc các mặt hàng tôm chế biến từ Việt Nam vẫn được ưa chuộng và chi phí vận chuyển thấp hơn. Trong khi đó, tại Mỹ và Trung Quốc, PSI cho rằng giá bán sẽ khó tăng hơn do mặt hàng tôm sơ chế đơn giản từ Ấn Độ, Ecuador với giá rẻ đang có lợi thế hơn so với Việt Nam. Đặc biệt tại Mỹ, tình trạng dư cung có thể diễn ra khi sản lượng tôm của Ecuador đang tăng lên.

PV (t/h)