Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Minh Dương (huyện Hoài Đức) Nguyễn Duy Hồng cho biết, theo kế hoạch, vào tháng 4-2020, công ty sẽ xem xét tăng lương cho người lao động, nhưng do tình hình khó khăn nên phải tạm dừng cho đến nay...
Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần Layer Clean Việt Nam Hà Xuân Trường cho hay: Công ty sản xuất và bán sản phẩm chủ yếu qua kênh phân phối, các cửa hàng tạp hóa. Dịch bệnh đã tác động trực tiếp đến doanh thu cũng như thu nhập của người lao động trong doanh nghiệp. Rõ nhất là các công nhân của công ty đang đi làm 3 ngày, nghỉ 3 ngày trong tuần. Vì thế không tránh khỏi giảm sút thu nhập.
Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng, từ khi xảy ra các ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng tại Việt Nam vào cuối tháng 7 vừa qua, hàng nghìn doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô phải dừng hoạt động. Đáng lưu ý là có hơn 30.000 công nhân lao động mất việc làm, thiếu việc làm, phải nghỉ luân phiên, giảm thu nhập.
Đơn cử, tại huyện Hoài Đức đã có hơn 1.700 đoàn viên, công nhân lao động ở 127 công ty, doanh nghiệp, trường dân lập phải tạm ngưng làm việc hoặc làm việc bán thời gian, luân phiên. Về phía người lao động, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến đời sống là rất rõ.
Chị Phạm Thị Phương (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) cho biết, cả hai vợ chồng chị đang làm việc tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa nhưng do doanh nghiệp ít đơn hàng nên tổng thu nhập của gia đình chỉ còn khoảng 10 triệu đồng/tháng. Trong khi đó phải chi trả tiền thuê nhà trọ, trang trải sinh hoạt và nuôi con nhỏ nên việc chi tiêu rất tằn tiện
Dù vậy, chị Phạm Thị Phương vẫn hy vọng tình hình sẽ được cải thiện trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng nhấn mạnh, ngay khi xảy ra dịch bệnh, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã thành lập 5 tổ công tác và xây dựng 3 kịch bản ứng phó sớm với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đồng thời chỉ đạo công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tham mưu cho cấp ủy, phối hợp chính quyền đồng cấp có các giải pháp hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Từ nguồn tài chính công đoàn và quỹ xã hội, thời gian qua, các cấp công đoàn Thủ đô đã hỗ trợ gần 70.000 công nhân, giáo viên các trường ngoài công lập bị mất việc… với số tiền trên 37 tỷ đồng. Ngoài ra, công đoàn cũng vận động nhiều chủ nhà trọ miễn, giảm giá thuê phòng trọ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Đặc biệt, Công đoàn các cấp đã tuyên truyền, vận động công nhân lao động chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp như tự nguyện nghỉ việc luân phiên, giảm mức lương hằng tháng… Nhờ đó nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Minh Dương Nguyễn Duy Hồng cho hay, khi dịch Covid-19 tác động lớn đến sản xuất kinh doanh của công ty, sự vào cuộc, động viên kịp thời người lao động của Công đoàn công ty đã giúp doanh nghiệp không bị xáo trộn quá nhiều về điều hành sản xuất.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội Nguyễn Vân cho rằng, điều mong mỏi nhất hiện giờ là phải giữ cho doanh nghiệp “sống” được. Do đó, hỗ trợ, tiếp sức cho doanh nghiệp thời điểm này là vấn đề cấp bách.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Quốc tế TIC Trần Thanh Lương đề nghị cho doanh nghiệp được giảm, giãn tiến độ nộp thuế, giảm lãi suất ngân hàng để có thể phục hồi lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Tương tự, Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Hoài Đức Khuất Trọng Kiên kiến nghị Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, UBND huyện Hoài Đức quan tâm tạo điều kiện cho doanh nghiệp về thời gian giãn nộp thuế, giảm giá thuê đất và tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh…
Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Thăng Long Nguyễn Thị Thanh Sơn đề xuất xem xét hỗ trợ giãn thời gian nộp bảo hiểm y tế, giảm thuế…, giúp doanh nghiệp duy trì việc làm ổn định cho người lao động.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành (Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh) cho rằng, theo các dự báo, sớm nhất cũng phải tới năm 2022 kinh tế thế giới mới trở lại bình thường. Do đó, sự mong mỏi của doanh nghiệp là chính đáng. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đang nóng lòng được vay vốn từ gói ưu đãi lãi suất thấp.
Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Bùi Huyền Mai, qua các kênh nắm bắt ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp và công đoàn cơ sở, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục đánh giá toàn diện về thực trạng việc làm của người lao động hiện nay để đồng hành, hỗ trợ vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19.
Với các kiến nghị, đề xuất như giảm, giãn tiến độ nộp thuế, giảm lãi suất ngân hàng…, Liên đoàn Lao động thành phố sẽ đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, lãnh đạo thành phố Hà Nội tìm hướng giải quyết. Bên cạnh đó, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đẩy mạnh hoạt động thăm hỏi, hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
“Công đoàn phải tham gia một cách có trách nhiệm trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó góp phần xây dựng được mối quan hệ hài hòa, ổn định, giúp doanh nghiệp phát triển, vững vàng vượt qua đại dịch Covid-19”, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Bùi Huyền Mai khẳng định.
Theo Hà Hải
"https://thuonghieucongluan.com.vn/chung-tay-giup-doanh-nghiep-vuot-kho-a114786.html"