Chống dịch Covid-19: Quán ăn, cơ sở dịch vụ đóng cửa, nhiều người lao động bị thất nghiệp tạm thời

16/03/2020 21:52

Tại Hà Nội những ngày này, rất nhiều nhà hàng, quán ăn đóng cửa tạm thời, hoặc treo biển cho thuê mặt bằng nhằm chống dịch Covid-19. Nhiều nhân viên các cơ sở kinh doanh này được cho nghỉ về quê chờ hết dịch.

Nhằm phòng tránh sự lây lan dịch bệnh virus corona, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị tất cả các chương trình nghệ thuật, di tích tham quan, quán bar, vũ trường, karaoke trên địa bàn Hà Nội đóng cửa đến hết tháng 3.

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã làm thiệt hại kinh tế cho nhiều ngành nghề kinh doanh. Không chỉ các doanh nghiệp bị tác động, doanh thu giảm sút, phải gồng mình để duy trì hoạt động qua được khó khăn trong mùa dịch, mà rất nhiều các của hàng hàng, hộ kinh doanh cá thể lâm vào tình trạng “điêu đứng” đóng cửa hàng loạt.

Nhiều cửa hàng ở Hà Nội đóng cửa để phòng dịch Covid-19

Đi dọc theo các tuyến phố buôn bán nhộn nhịp như Chùa Bộc, Nguyễn Quý Đức, thời điểm hiện tại có thể dễ dàng thấy nhiều các cửa hàng từ quán ăn, cửa hàng quần áo thời trang, café, spa… đều trong tình trạng vắng khách, hoặc phải đóng cửa tạm thời để chống dịch. Không những thế một số cửa hàng được treo biển cho thuê mặt bằng. Đây là tình trạng phổ biến đang diễn ra ở Hà Nội kể từ khi phát hiện BN17 nhiễm Covid-19 ở Hà Nội. Hệ lụy của nó là nhân viên các cơ sở kinh doanh này tạm nghỉ về quê, chờ hết dịch mới quay trở lại làm việc.

Phải nói rằng chưa khi nào giới tiểu thương ở Thủ Đô lại rơi vào tình cảnh khó khăn như hiện tại. Khi dịch bệnh bùng phát, mọi người đều hạn chế ra ngoài, tiếp xúc tụ tập đông người, các cửa hàng kinh doanh dường như không có khách. Doanh thu sụt giảm đến 80%.

Chị N.V.A kinh doanh một cửa hàng thời trang trên phố Kim Mã cho biết: Thời điểm hiện tại cửa hàng chị mỗi ngày chỉ có 2-3 lượt khách. Doanh thu không đủ bù lại trả chi phí mặt bằng chưa kể tiền thuê nhân viên, điện nước…. Vì vậy, chị đã phải trả lại cửa hàng trước thời hạn mang hàng hóa về để bán online.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự. Chị Thúy, kinh doanh quán ăn trên phố Khương Trung đã phải đóng cửa hàng tạm nghỉ một thời gian vì không có khách. Lý giải cho điều này chị cho biết: Vì đa số người dân khi có dịch Covid-19 ở Hà Nội, mọi người đều đã tích trữ lương thực và hạn chế đi ra ngoài nếu không có việc cần thiết. Thói quen ăn hàng quán cũng bị bỏ thay vào đó họ sẽ tự nấu ăn ở nhà.

Không chỉ các chủ cửa hàng bị thiệt hại, mà ngay đến những những người có mặt bằng cho thuê cũng bị ảnh hưởng liên đới. Bị khách trả lại mặt bằng do làm ăn thua lỗ, giữa mua dịch mặt bằng để trống không ai thuê. Hoặc với những cửa hàng vẫn đang cố gắng cầm cự thì họ cũng đề nghị xin giảm tiền thuê nhà trong những tháng làm ăn khó khăn này.

Trong Hội doanh nhân khởi nghiệp trên Facebook, một loạt những chia sẻ của các startup về tình hình khó khăn cũng được đưa ra. Chi phí mặt bằng quá cao, khách hàng e sợ không sử dụng sản phẩm dịch vụ, đặc biệt là mô hình kinh doanh theo chuỗi hoặc hệ thống đều đang phải co cụm lại, cố gắng duy trì hoạt động hết sức cầm chừng. Thậm chí đang có rất nhiều các chủ doanh nghiệp startup, vừa và nhỏ đang phải bán nhà, bán xe, thậm chí là vay ngân hàng để cố gắng cầm cự doanh nghiệp của mình qua giai đoạn khó khăn nhất.

Tính đến thời điểm sáng ngày 16/3/2020, Việt Nam đã có 57 ca mắc Covid 19. Khả năng lây nhiễm vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Một số tỉnh thành lớn như Hà Nội, TP.HCM, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ninh đã ra thông báo đóng cửa các khu du lịch, nhà hàng, quán bar, spa, để hạn chế tiếp xúc và lây nhiễm bệnh dịch bệnh. Nếu việc tạm ngừng hoạt động tuy chỉ là tạm thời nhưng những doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng ngay tức khắc. Hiện có một số mặt hàng chuyển sang chọn giải pháp bán hàng online. Tuy nhiên hình thức này không thể áp dụng cho tất cả các dịch vụ sản phẩm. Hiện tất cả đều mong sẽ góp sức cùng Nhà nước để đẩy lùi Covid-19, sớm cho hoạt động kinh doanh ổn định trở lại.

Theo Thiên An

"https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/chong-dich-covid-19-quan-an-co-so-dich-vu-dong-cua-nhieu-nguoi-lao-dong-bi-that-nghiep-tam-thoi/20200316125204268"