Tại thành phố Phúc Yên, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã từng bước thu hút sự hưởng ứng tích cực của nhân dân địa phương, tạo thói quen tiêu dùng của nhân dân đối với các sản phẩm, hàng hoá do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất.
Để thực hiện hiệu quả cuộc vận động, các cấp chính quyền, các cơ quan quản lý nhà nước từ thành phố tới các xã, phường đã cụ thể hoá các chương trình, hoạt động bằng việc rà soát, bãi bỏ các thủ tục hành chính còn chồng chéo, gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh hàng hoá nội địa nhằm tạo điều kiện để sản xuất, lưu thông phân phối hàng hoá và tiêu dùng.
Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp như: Hỗ trợ đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, kinh nghiệm quản lý tiên tiến vào sản xuất kinh doanh; tăng cường xây dựng các hệ thống phân phối bán lẻ, nhất là ở các vùng nông thôn; sản xuất hàng hóa, dịch vụ có chất lượng cao và xây dựng thương hiệu cho hàng hóa, dịch vụ Việt Nam nhằm sớm đưa hàng hoá thương hiệu Việt đến tay người tiêu dùng.
Cùng với đó, thành phố tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh các hoạt động quản lý thị trường, hải quan, thuế; công bố thường xuyên, kịp thời các tiêu chuẩn về chất lượng, giá cả sản phẩm, hàng hóa Việt Nam sản xuất và hàng ngoại nhập trên các phương tiện thông tin đại chúng; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Hằng năm, UBND thành phố phối hợp tổ chức các hội chợ thương mại, tạo điều kiện cho người dân có cơ hội tiếp cận với hàng hoá nội địa. Từ năm 2009 đến nay, mỗi năm, thành phố tổ chức từ 3-5 hội chợ thương mại; tổ chức cho các siêu thị, doanh nghiệp, cửa hàng trên địa bàn triển khai nhiều đợt giảm giá, khuyến mại để kích thích sức mua của người tiêu dùng, các sản phẩm được giới thiệu và bán chủ yếu gồm: mỹ phẩm, hàng thủ công mỹ nghệ, đồ điện tử, dệt may, thực phẩm, văn phòng phẩm, nước giải khát...
Qua các đợt bán hàng giảm giá đã thu hút đông đảo nhân dân, công nhân lao động đến tham quan mua sắm hàng Việt, góp phần kích thích sản xuất trong nước. Đồng thời, tổ chức cho các doanh nghiệp đăng ký thực hiện các chương trình bình ổn giá về hàng Việt.
Trong đó, siêu thị Trang Đạt, Công ty cổ phần thương mại Vĩnh Phúc, siêu thị Bình Minh, trang trại Tuấn Tân, Công ty Tùng Chi với nhiều hoạt động thiết thực được tổ chức đã tác động tích cực đến tâm lý người tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân địa phương dễ dàng tiếp cận với hàng hóa Việt Nam với giá cả hợp lý, chất lượng các mặt hàng bảo đảm, góp phần tạo lập và củng cố lòng tin của người tiêu dùng đối với hàng hóa Việt Nam.
Bên cạnh đó, các buổi gặp mặt giữa lãnh đạo thành phố, các cơ quan quản lý Nhà nước thuộc thành phố với các doanh nghiệp trên địa bàn được tổ chức thường xuyên hằng năm nhằm thông tin tình hình kinh tế - xã hội của địa phương đến các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân; động viên, khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, tích cực hưởng ứng và tham gia cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời, phối hợp triển khai hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại và đầu tư.
Theo đánh giá của Ủy ban MTTQ thành phố, đến nay, cuộc vận động đã được triển khai sâu rộng đến từng ngõ ngách đời sống nhân dân. Nhận thức và thói quen của người tiêu dùng về hàng Việt trên địa bàn thành phố đã có nhiều thay đổi, tâm lý tiêu dùng hàng nội đã trở thành thói quen của nhiều người dân. Trên thị trường, hàng Việt ngày càng được ưa chuộng, nhất là người tiêu dùng vùng nông thôn. Đến nay, toàn thành phố có khoảng gần 90% tổng số hộ dân dùng các mặt hàng trong nước như: Ô tô, xe máy, đồ điện tử điện lạnh, điện dân dụng, đồ gỗ, đồ gia dụng, hàng nông sản, các sản phẩm phục vụ đời sống hằng ngày.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, thời gian tới, Ban thường trực Ủy ban MTTQ thành phố tiếp tục đẩy mạnh và tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về cuộc vận động. Trong đó, tập trung để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong nước, chất lượng của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ Việt Nam; vận động nhân dân sử dụng hàng Việt Nam khi tiêu dùng cá nhân, coi đó là thể hiện lòng yêu nước, nét đẹp trong văn hoá tiêu dùng của người Việt Nam.
Tiếp tục tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm; nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; xây dựng thương hiệu cho nhiều sản phẩm, hàng hoá Việt Nam. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư; tiếp tục phối hợp tổ chức các hội chợ thương mại hàng tiêu dùng; phát động tháng cao điểm thực hiện cuộc vận động với các hoạt động tuyên truyền, quảng bá; phối hợp với các doanh nghiệp thương mại tổ chức “Ngày vàng”, “Tuần lễ vàng”, các đợt khuyến mại, giảm giá thành sản phẩm để kích thích sản xuất và tiêu dùng.
Cùng với đó, thành phố tiếp tục chú trọng đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; sản xuất, vận chuyển hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; đề cao những mô hình, điển hình tiên tiến, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân sử dụng hàng hóa nội địa khi thực hiện mua sắm; cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tâm hiệp lực, tham gia thực hiện cuộc vận động có hiệu quả.
Theo Hồng Yến
"https://thuonghieucongluan.com.vn/cau-noi-dua-hang-viet-den-voi-nguoi-tieu-dung-a120070.html"