Theo đó, ông Trần Thái Nghiêm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP. Cần Thơ cho biết, mặc dù diện tích đất nông nghiệp của thành phố hiện nay không còn nhiều, hầu hết đã sản xuất thâm canh, song ngành Nông nghiệp thành phố vẫn mong muốn và quyết tâm tổ chức sản xuất theo hướng sạch, an toàn. Bởi đây là hướng đi phù hợp để tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng bền vững, tăng giá trị trên cùng một diện tích đất và cải thiện thu nhập cho người nông dân.
Theo Sở NN&PTNT TP. Cần Thơ, năm 2020, diện tích sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP của thành phố khoảng 360ha và 100ha đạt tiêu chuẩn Global GAP.
Trên rau màu, thành phố xây dựng và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm cho các hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất rau an toàn và mở rộng vùng sản xuất rau an toàn tập trung.
Hiện nay, đã mở rộng 18 vùng sản xuất rau với diện tích 229ha, sản lượng 28.390 tấn. Diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP 10,2ha, tập trung tại Bình Thủy.
Thành phố có 13 hợp tác xã, tổ hợp tác trồng cây ăn trái tại các quận Thốt Nốt, Ô Môn, Cái Răng và huyện Cờ Đỏ, Phong Điền đạt chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP với diện tích 268ha.
Đồng thời, hỗ trợ cấp 7 mã code xuất vào thị trường Mỹ, Úc và Hàn Quốc cho các vùng cây ăn trái tại huyện Cờ Đỏ, Phong Điền và quận Thốt Nốt với tổng diện tích 98,4ha.
PGS.TS Lê Văn Vàng – Trưởng Khoa Nông nghiệp, Đại học Cần Thơ, đề xuất: “Mô hình nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao rất phù hợp với TP Cần Thơ. Mô hình này không chỉ tạo thuận lợi về khoảng cách chuyên chở, phân phối; giảm chi phí tồn trữ, bảo quản mà còn đáp ứng về độ tươi ngon của sản phẩm nông sản. Đặc biệt, do diện tích canh tác nhỏ nằm trong và lân cận khu vực đô thị, mô hình nông nghiệp đô thị có thể dễ dàng ứng dụng công nghệ cao để tối ưu hóa sản xuất và giảm giá thành”.
Theo Nguyễn Tùng
"https://thuonghieucongluan.com.vn/can-tho-nong-nghiep-sach-xanh-ben-vung-a120473.html"