Cần ngăn chặn sự phá sản của doanh nghiệp trước ảnh hưởng của dịch Covid-19

06/05/2020 20:40

Để ngăn chặn sự phá sản của doanh nghiệp trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các chuyên gia khuyến nghị TP.HCM nên tính toán, xem xét việc huy động và phát hành trái phiếu chính quyền địa phương ngắn hạn để bổ sung nguồn lực ngân sách sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp.

Quang cảnh buổi toạ đàm


Đây là một trong các nội dung chính được đưa ra tại buổi toạ đàm trực tuyến “khôi phục và phát triển kinh tế TP.HCM năm 2020” do UBND TP.HCM tổ chức mới đây.

Tái cơ cấu kinh tế

Dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến kinh tế Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng trên diện rộng. Cụ thể, trong quý 1/2020, tăng trưởng kinh tế TP.HCM chỉ đạt 0,42% (cả nước chỉ tăng 3,82%). Trên 262.000 doanh nghiệp của thành phố, trong đó 97,19% là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ bị ảnh hưởng trực tiếp. Dù các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp triển khai nhanh, nhưng sự tiếp cận của các gói tiếp cận vẫn còn gặp nhiều trở ngại.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp ổn định sản xuất trong thời gian khó khăn như hiện nay, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM Chu Tiến Dũng kiến nghị, chính quyền thành phố cần đồng hành cùng doanh nghiệp ổn định thị trường, tiếp cận thị trường mới, mở rộng thị trường nội địa, chuẩn bị sẵn sàng cho xuất khẩu và các thị trường ngoại khi các nước nới lỏng cách ly.

Cụ thể, từng bước nới lỏng cách ly xã hội, nhanh chóng phục hồi lại môi trường sản xuất kinh doanh trong nước bình thường giúp doanh nghiệp phục hồi lại thị trường trong nước. Khai thông khâu vận chuyển lưu thông hàng hóa đặc biệt là tại cảng.

Chế biến gỗ, một trong những ngành suy giảm mạnh trong dịch Covid-19

 

Bên cạnh đó, đối với doanh nghiệp tham gia các lĩnh vực sản phẩm mới, đặc biệt là sản phẩm phục vụ phòng chống dịch, các cấp các ngành tập trung giải quyết nhanh các thủ tục xác nhận điều kiện hợp quy sản phẩm cũng như các thủ tục để xuất khẩu sang các nước có nhu cầu về khẩu trang, bảo hộ y tế, máy thở.

Đồng thời, tổ chức các chương trình kết nối cung cầu, kết nối doanh nghiệp, kết nối sản xuất với các kênh tiêu thụ truyền thống, hiện đại và cho phép các hiệp hội doanh nghiệp cũng được tổ chức chương trình riêng để tăng thêm hiệu quả xúc tiến thương mại của thành phố.

Ngoài ra, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho rằng, thành phố chú trọng chuẩn bị cơ sở hạ tầng giúp đẩy nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng cũng như chuẩn bị đón làn sóng chuyển dịch đầu tư từ nước khác sang Việt Nam do dịch covid-19. Ngân hàng cần ưu tiên cho vay đủ vốn và tạo thuận lợi cung cấp vốn cho các doanh nghiệp có dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, đổi mới công nghệ, sản phẩm, thị trường…

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, khẳng định, thành phố đã thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chấp nhận hy sinh một phần lợi ích kinh tế để đảm bảo an toàn tuyệt đối sức khỏe, tính mạng cho nhân dân.

Cụ thể, trong quý 1/2020 tăng trưởng kinh tế của thành phố chỉ ở mức 0,42% so với cùng kỳ năm 2019, thấp nhất trong 34 năm trở lại đây (năm 1986). Chính sự tăng trưởng chậm lại của thành phố sẽ có nhiều tác động đến sự tăng trưởng chung của cả nước.

Đối với doanh nghiệp trên địa bàn, người đứng đầu UBND TP.HCM phân tích thêm, trong hoạt động của doanh nghiệp, bên cạnh sự nỗ lực tự thân để vượt qua các tác động của dịch Covid-19 thì sự hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ là rất quan trọng. Trường hợp hỗ trợ chậm trễ sẽ làm doanh nghiệp rơi vào trạng thái khó khăn, làm kéo theo nhiều hệ lụy như tăng tỷ lệ thất nghiệp, tạo gánh nặng về an sinh xã hội và gia tăng tội phạm.

Chính vì vậy, cần phải có các giải pháp tập trung phát triển các ngành đóng góp cao vào tăng trưởng kinh tế ở nhiều lĩnh vực cũng như việc đầu tư có trọng điểm, ưu tiên phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Ở góc độ khác, ông Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cho rằng, năm 2020, kinh tế TP.HCM chắc chắn sẽ suy giảm, nhưng điều quan trọng là phải nhìn về tương lai để làm sao từ năm 2021 trở đi, thành phố phát triển nhanh hơn, bền vững hơn.

“Đây là cơ hội để thành phố tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng công nghệ cao, đô thị xanh, hiệu quả, giảm thâm dụng lao động. Như vậy, chống dịch vẫn là mục tiêu quan trọng, nhưng biện pháp thực hiện phải có sự điều chỉnh cho phù hợp đạt mục tiêu “kép” là kết hợp sự phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, ổn định kinh tế vĩ mô và thị trường trong nước trở nên quan trọng hơn đối với sự phục hồi kinh tế của Việt Nam và TP.HCM”, ông Ngân cho hay.

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, để tái cơ cấu nền kinh tế thì nên khơi thông các điểm nghẽn ảnh hưởng đến sự lưu thông các nguồn lực kinh tế của thành phố. Cùng với đó, các biện pháp chính sách được triển khai thực hiện nhằm vượt qua thách thức hiện tại cũng cần tính đến các yếu tố mang tính chất cơ cấu ảnh hưởng đến sự phát triển trong trung hạn, dài hạn của kinh tế thành phố và với xu hướng chuyển đổi của kinh tế thế giới trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Nỗ lực ngăn chặn doanh nghiệp phá sản

Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, trước ảnh hưởng nghiệp trọng của dịch Covid-19, trong 3 tháng đầu năm đã có hơn 1.500 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng hơn 54% so với cùng kỳ; hơn 5.000 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, tăng gần 32% so với cùng kỳ.

Trước việc “chết nghẻo” của doanh nghiệp, Cục Thống kê thành phố nhận định, sẽ có khoảng 70.000 lao động chịu tác động trong các tháng sắp tới do tác động kinh tế, nhất là tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bất động sản gặp khó, doanh nghiệp địa ốc đua nhau phá sản trước diễn biến phức tạp
 của dịch Covid-19

 

Để ngăn chặn việc các doanh nghiệp đua nhau phá sản, tại buổi toạ đàm Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, giảng viên của Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright khuyến nghị TP.HCM nên tính toán, xem xét việc huy động và phát hành trái phiếu chính quyền địa phương ngắn hạn để bổ sung nguồn lực ngân sách sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã nêu ra một số giải pháp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững hơn. Đó là tiếp tục phòng dịch quyết liệt, phục hồi sản xuất, kinh doanh và hoạt động xã hội trong điều kiện bình thường mới như thực hiện hành vi phòng dịch chuẩn với cá nhân, tập thể; phát hiện và kiểm soát kịp thời tất cả người nhập cảnh mang nguy cơ nhiễm Covid-19.

Đồng thời, ngăn chặn phá sản của doanh nghiệp bằng sự hỗ trợ thu nhập cho người lao động để doanh nghiệp không mất lao động; hỗ trợ đảm bảo tính thanh khoản của doanh nghiệp; hỗ trợ phục hồi sản xuất, dịch vụ nhằm vào nhu cầu thị trường nội địa gần 100 triệu dân.

Hiện nay doanh nghiệp phải chịu nhiều gánh nặng về chi phí thuê nhà xưởng, lãi vay ngân hàng, cùng với đó là vấn đề trả lương cũng khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng. Vậy nên cần có sự hỗ trợ đểđảm bảo tính thanh khoản của doanh nghiệp, cũng thực hiện theo nguyên tắc hậu kiểm để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

“Người lao động mất việc có thể tìm việc nơi khác, nhưng doanh nghiệp mất lao động không thể phục hồi sản xuất kinh doanh được”, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân phân tích và đề nghị chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giữ chân người lao động trong vài tháng.

Ngoài ra cần hỗ trợ, khuyến khích sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, nhất là vật tư, thiết bị có lợi thế nguồn gốc địa phương và mở rộng chuỗi giá trị gia tăng trong nước, kể cả sản phẩm xuất khẩu. Dự báo kịp thời, phối hợp với các nước đối tác chủ yếu về thương mại, đầu tư và du lịch để mở cửa hoạt động kinh tế với từng nước, vào thời điểm phù hợp (tháng 5 đến 12/2020).

Thúc đẩy số hóa tài nguyên của các doanh nghiệp, hoàn thành cơ sở dữ liệu số của các ngành kinh tế, hạ tầng của TPHCM và triển khai quản trị thông minh ở các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước. Cùng với đó là việc triển khai mạnh mẽ đầu tư công của thành phố, phấn đấu đến tháng 10/2020 giải ngân trên 80% giá trị các dự án.

“TP.HCM đang đầu tư khu công nghiệp mới, khu công nghệ cao giai đoạn 2”, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân thông tin và yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đồng thời phê duyệt quy hoạch cục bộ và kêu gọi đầu tư Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông, đẩy mạnh đầu tư ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Theo Đức Linh

"https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/can-ngan-chan-su-pha-san-cua-doanh-nghiep-truoc-anh-huong-cua-dich-covid-19/20200505054849654"