Chiều 13/4/2021, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 – 2021, đồng thời tổ chức bàn giao nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính giữa ông Đinh Tiến Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính và ông Hồ Đức Phớc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Báo cáo kết quả quản lý, điều hành nhiệm kỳ 2016-2020 của Bộ Tài chính, ông Võ Thành Hưng – Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước cho biết: Mục tiêu quản lý, điều hành tài chính – NSNN được đặt ra trong nhiệm kỳ qua là tài chính phục vụ ổn định vĩ mô và phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Theo đó, ưu tiên hoàn thiện thể chế tài chính – ngân sách nhà nước theo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa, tạo dựng môi trường đầu tư cạnh tranh, lành mạnh, tăng cường huy động, quản lý, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính nhằm thúc đẩy phát triển, cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.
Mặt khác, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính; cơ cấu lại ngân sách nhà nước và quản lý nợ công, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao vị thế và uy tín của nước ta trong khu vực và trên thế giới.
Ông Hưng cho biết, ngành tài chính đã tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ thể chế tài chính làm cơ sở khơi thông, huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng an ninh...; đồng thời giữ vững an ninh an toàn tài chính quốc gia, từng bước cải thiện dư địa tài khóa để chủ động ứng phó với các biến động lớn (như đại dịch COVID19).
Ngoài ra, công tác quản lý, điều hành NSNN đều đạt và vượt dự toán. Tính chung giai đoạn 2016-2020, tổng thu NSNN đạt 6,89 triệu tỷ đồng; quy mô thu bình quân đạt khoảng 25,2%GDP (giai đoạn 2011-2015 là 23,6%GDP), vượt mục tiêu đề ra.
Quy mô chi NSNN được quản lý trong phạm vi thu ngân sách và giảm dần bội chi; tỷ trọng chi đầu tư phát triển bình quân giai đoạn 2016-2020 trên 28%GDP (mục tiêu là 25-26%); giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống dưới 64%. Đã cơ cấu lại nợ công theo hướng bền vững hơn…