Bộ LĐ-TBXH đề xuất đóng BHXH 10 - 15 năm có thể được nhận lương hưu

20/04/2021 15:40

Thay vì đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm trở lên mới được nhận lương hưu, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất giảm dần số năm đóng xuống còn 15 năm, hướng tới 10 năm.

Đây là điểm mới trong dự thảo Tờ trình Chính phủ về đề nghị xây dựng luật bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi).

lao-1618882769.jpg
Ảnh minh hoạ

Theo Bộ LĐ-TBXH, tính đến năm 2020, mới chỉ có gần 33,5% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, vẫn còn gần 32 triệu người trong lực lượng lao động ở độ tuổi lao động (khoảng 66,5%) chưa tham gia BHXH.

Trong khi đó, có khoảng 14,1 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu. Trong số này, có 3,1 triệu người đang được hưởng lương hưu và BHXH hằng tháng; 1,8 triệu người hưởng trợ cấp hưu trí. Đáng chú ý, còn hơn 9,2 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu chưa được hưởng một tầng an sinh nào khác.

Ông Trần Hải Nam, Phó vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TBXH), cho biết, mục tiêu Nghị quyết 28 về cải cách chính sách BHXH đặt ra là đến năm 2021 có khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu. Nghị quyết cũng chỉ rõ, giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp, tạo điều kiện cho người lao động (NLĐ) cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp nhưng vẫn được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH. Đây là một thách thức lớn, trong khi chính sách BHXH còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với tốc độ già hóa dân số.

Theo ông Nam, luật BHXH 2014 quy định NLĐ đủ tuổi nghỉ hưu trong điều kiện làm việc bình thường, đóng đủ 20 năm BHXH trở lên được hưởng lương hưu. Mức hưởng hằng tháng bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH và tương ứng với số năm đóng theo quy định.

Ông Nam chia sẻ: “Quy định điều kiện về thời gian tối thiểu được hưởng lương hưu quá chặt chẽ và quá dài dẫn đến số người đang tham gia rời bỏ hệ thống BHXH trước tuổi nghỉ hưu khá lớn, nhất là những người tham gia BHXH tự nguyện. Bên cạnh đó, cùng với tác động kinh tế khiến nhiều người nản lòng đã rời bỏ hệ thống BHXH. Về lâu dài, người già không có lương hưu sẽ tạo áp lực lớn cho xã hội khi phải bố trí nguồn lực đơn lẻ để bảo đảm an sinh, chăm sóc y tế”.

Theo Bộ LĐ-TBXH tính toán, nếu thay đổi theo phương án này sẽ khuyến khích người dân tham gia vào hệ thống, làm tăng nguồn thu vào Quỹ BHXH ngắn hạn và trung hạn; nguồn chi ngắn hạn, trung hạn và dài hạn cũng sẽ tăng. NLĐ sẽ được bảo vệ tốt hơn trước những rủi ro trong quá trình làm việc, tạo điều kiện để NLĐ tăng khả năng tiếp cận với lương hưu khi về già.

Minh Đức