Theo đó, hành khách phải tuân thủ 5K, khai báo y tế theo quy định. Khi tham gia giao thông hàng không, đường sắt, hàng hải, ngoài yêu cầu trên, hành khách còn phải xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ bằng phương pháp PCR hoặc test nhanh. Người đã tiêm một liều vaccine sau 3 tuần hoặc đã tiêm đủ liều, F0 khỏi bệnh trong vòng 6 tháng thì không cần xét nghiệm.
Tại địa phương nguy cơ cao (cấp 3), các phương tiện giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải được hoạt động dưới 50% công suất.
Tại địa phương có nguy cơ thấp (cấp 1) và trung bình (cấp 2), các phương tiện giao thông hoạt động bình thường.
UBND cấp tỉnh quyết định tần suất hoạt động của xe khách liên tỉnh, xe khách nội tỉnh, xe buýt, taxi, hợp đồng, du lịch, vận chuyển học sinh, sinh viên,
Với đường sắt, căn cứ vào tình hình dịch bệnh tại các địa phương và trên cơ sở ý kiến thống nhất của UBND cấp tỉnh có ga (nơi đi, nơi đến), Cục Đường sắt Việt Nam quyết định khai thác số đôi tàu, ga dừng đón, trả khách trên hành trình.
Với hàng không, Bộ Giao thông Vận tải cho phép các địa phương mở lại đường bay nội địa theo 4 giai đoạn khi nới lỏng phòng dịch.
Giai đoạn 1 (tối đa 10 ngày kể từ ngày áp dụng kế hoạch) tần suất trên từng đường bay với từng hãng không vượt quá 50% so với trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4 (trước đợt dịch thứ 4) và giãn cách ghế trên máy bay.
Giai đoạn 2 (tối đa 10 ngày sau giai đoạn một) tần suất trên từng đường bay của từng hãng bay không vượt quá 70%.
Giai đoạn 3 (sau giai đoạn 2) tần suất trên từng đường bay của từng hãng không vượt quá tần suất trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4 và không phải giãn cách ghế.
Giai đoạn 4 (trạng thái bình thường mới) cho phép các hãng được khai thác trở lại bình thường.
Hiện nay, các đường bay nội địa, tàu khách, xe khách liên tỉnh... vẫn tạm dừng tại nhiều địa phương đã nới lỏng giãn cách. Ngành hàng không chỉ khai thác các chuyến bay chở hàng hóa và kết hợp chở khách công vụ, lực lượng phòng chống dịch Covid-19.