Bộ Công an và PVN vào cuộc làm rõ vụ việc 3,5 tỷ đồng của NH Đại dương bị “bỏ quên” tại PVTrans

27/02/2020 21:55

Mới đây, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã vào cuộc điều tra về vụ việc 3,5 tỷ đồng của Ngân hàng Đại dương (Oseanbank) bị “bỏ quên” tại PVTrans.

Thời gian qua, nhiều cơ quan báo chí đăng tải thông tin cơ quan công an phát hiện Tổng công ty CP Vận tải dầu khí (PVTrans) là một trong những đơn vị thuộc Tập đoàn Dầu khí (PVN) nhận tiền lãi ngoài của lãnh đạo Ngân hàng Đại Dương, nhưng đến nay, cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra kết luận chính thức về vụ việc này.

Mới đây, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã mời người viết đơn tố cáo đến làm việc, cung cấp thêm chứng cứ cho cơ quan chức năng.

Làm việc với người tố cáo

Cụ thể, từ ngày 19/02/2020 đến nay, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) và PVN đã nhiều lần mời người đứng đơn tố cáo các vi phạm của  ông Phạm Việt Anh, TGĐ Tổng công ty CP Vận tải dầu khí (PVTrans) đến cung cấp tài liệu. Một trong những nội dung quan trọng mà PVN và cơ quan công an hết sức quan tâm đó là việc PVTrans đã lập biên bản giao nộp “vật chứng” là 3,5 tỷ đồng tiền “chăm sóc khách hàng” của Oseanbank.

Giấy mời của Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu

Vụ việc này, được hé lộ từ việc ngày 05/11/2019, PVTrans đã lập biên bản giao nộp 3,5 tỷ đồng về tài khoản của PVN để cơ quan này chuyển số tiền trên đến tài khoản tạm giữ của cơ quan CSĐT Bộ Công an. Cũng theo biên bản này thì trước đó, cơ quan CSĐT đã có văn bản gửi PVN xác định PVTrans nằm trong danh sách các doanh nghiệp đã nhận tiền “chăm sóc khách hàng” của Ocean bank.

Nội dung biên bản do chính PVTrans lập có nội dung cụ thể như sau:

"Sau khi rà soát về việc có ai bỏ quên, thất lạc khoản tiền 3,5 tỷ đồng tại Ban Tài chính kế toán ngày 30/9/2019, chúng tôi đã cùng họp, thảo luận và thống nhất nội dung báo cáo tập đoàn về kết quả xác minh rõ thêm nguồn gốc số tiền này như yêu cầu của Công văn số 443/ĐK/VN-PC&KTr ngày 1/11/2019 của tập đoàn kèm theo kiến nghị việc nộp số tiền trên vào tài khoản tạm giữ của cơ quan CSĐT… Kết quả rà soát trong giai đoạn vừa qua cho thấy, số tiền 3,5 tỷ đồng phát hiện tại Ban Tài chính kế toán vào ngày 30/9/2019 không thuộc sở hữu của bất cứ cá nhân hay tổ chức nào thuộc PVTrans, cũng không phải của cá nhân, cán bộ PVTrans nào thất lạc bỏ quên tại nơi làm việc… Liên quan đến vụ án Oceanbank, trong giai đoạn 2011-2014, rất nhiều đơn vị thành viên trong Tập đoàn Dầu khí giao dịch tiền gửi tại Oceanbank đều được ngân hàng này có chính sách chi tiền chăm sóc khách hàng và nhiều đơn vị đã nộp tiền vào tài khoản tạm giữ của cơ quan CSĐT theo quy định của pháp luật.

Đối với PVTrans, Công văn số 5188/C03-P15 ngày 24/10/2019 của cơ quan CSĐT gửi Tập đoàn Dầu khí (PVN) đã xác định cũng là đơn vị được Oceanbank chi tiền chăm sóc khách hàng. Việc nhận tiền chăm sóc khách hàng của PVTrans nêu trên, liên quan đến nguyên một cán bộ PVTrans mà thời gian qua, cơ quan CSĐT vào PVTrans làm việc thì cán bộ đó do có vấn đề về sức khỏe nên thường vắng mặt tại văn phòng.  Cơ quan CSĐT vẫn đang tiếp tục làm rõ vụ việc nói trên.

Tổng hợp các kết quả rà soát tại chỗ và các thông tin có liên quan nêu trên, PVTrans có cơ sở xác nhận 3,5 tỷ đồng phát hiện tại Ban Tài chính kế toán ngày 30/9 - chính là số tiền hỗ trợ khách hàng của Oceanbank đối với PVTrans mà cá nhân nêu trên đã nhận nhưng vẫn để nguyên chưa sử dụng.

Đối với việc này, trong suốt thời gian trước đó, người này không báo cáo cho lãnh đạo PVTrans để đơn vị biết kịp thời báo cáo và nộp khắc phục theo hướng dẫn của cơ quan CSĐT. Vì vậy, nay căn cứ theo hướng dẫn của cơ quan CSĐT, số tiền này cần được chủ động nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan CSĐT"

Được biết, trước đó một số đơn vị thành viên của PVN cũng với hành vi tương tự, đã bị Cơ quan CSĐT (CO3, Bộ Công an) và Viện KSND tối cao khởi tố, bắt giam do có hành vi vi phạm pháp luật, thỏa thuận, móc ngoặc với lãnh đạo OceanBank trong việc đưa, nhận tiền và để ngoài sổ sách kế toán nhằm chiếm đoạt tiền của OceanBank.

TGĐ PVTrans kê khai tài sản không trung thực?

Gia đình TGĐ PVTrans Phạm Việt Anh được cho là sở hữu khối tài sản trị giá cả trăm tỷ đồng. Nhưng phần “kê khai tài sản” thì ông Phạm Việt Anh lại không trung thực khi khai tụt giá trị tài sản, thậm chí còn “quên”  không đưa nhiều tài sản là bất động sản vào bản kê khai.

Đầu tiên, phải kể đến là căn biệt thư xa hoa có giá trên thị trường hiện nay là trên 60 tỷ đồng. Đó là biệt thự số 49 Hưng Thái 2- R2 đường Nội khu (quận 7, TP. HCM) được vợ chồng TGĐ PVTrans mua năm 2015. Căn biệt thư này rộng tới 467 m2 và đây là nơi ăn ở chính của TGĐ PVTrans Phạm Việt Anh.

Biên bản sự việc của Tổng công ty Vận tải dầu khí (PVTrans)

Trong “Bản kê khai tài sản, thu nhập” các năm 2016, 2017, 2018 gửi tổ chức nơi ông Phạm Việt Anh công tác, ông Phạm Việt Anh khai mua căn biệt thự trên với giá 10 tỷ đồng. Thế nhưng, tại Hợp đồng mua bán căn biệt thự này lại thể hiện việc ông Phạm Việt Anh mua căn biệt thự với giá 27,3 tỷ đồng (thời điểm 2015). Vì sao TGĐ Phạm Việt Anh lại phải khai thụt số tiền mua căn biệt thự nêu trên?

Gia đình TGĐ Phạm Việt Anh còn tiếp tục sở hữu căn biệt thự số 83 Hưng Thái 2 , quận 7, TP.HCM rộng 240 m2. Giá thị trường căn biệt thự này hiện nay cũng trên 30 tỷ đồng.

Ngoài ra, gia đình ông Phạm Việt Anh còn được biết đến là chủ sở hữu mảnh đất 480 m2 tại phường An Phú (quận 2, TP. HCM). Trên thị trường bất động sản TP. HCM, mảnh đất tương tự như thửa đất mà gia đình ông Phạm Việt Anh sở hữu được rao bán với giá gần 100 tỷ đồng.

Ngoài ra, gia đình ông Phạm Việt Anh còn sở hữu một loạt bất động sản giá trị khác như căn nhà số 04 phố Kha Vạn Cân, TP. Vũng tàu rộng 132 m2, căn nhà mặt phố số 35D, đường 30/4 TP. Vũng Tàu, căn hộ chung cư cao cấp Grandview Phú Mỹ Hưng (quận 7, TP. HCM)…

Tại giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở do UBND TP. Vũng tàu cấp  cho gia đình ông Phạm Việt Anh căn nhà số 37E, phố Huyền Trân Công chúa, TP. Vũng Tàu, căn nhà mặt phố này rộng trên 100 m2 và cũng nằm ở vị trí đắc địa của TP. Vũng Tàu. Tại các bản kê khai tài sản, thu nhập trong nhiều năm, ông Phạm Việt Anh đã “quên” không kê khai tài sản, báo cáo tổ chức theo quy định.

Không chỉ vợ chồng ông Phạm Việt Anh sở hữu khối tài sản khủng mà vài năm gần đây, bố mẹ đẻ ông Phạm Việt Anh là ông Phạm Khắc Hảo (sinh năm 1942) và bà Nguyễn Thị Hà (sinh năm 1945) là cán bộ Tổng cục Bưu điện nghỉ hưu đã lâu, cũng đứng tên một loạt biệt thự xa hoa tại quận 7, TP. HCM như sau: Biệt thự số 10 đường G (khu Mỹ Phú 2 - S10 - 1), khu phố 6, P.Tân Phong, quận 7, TP. HCM; biệt thự số 23 đường Mỹ Giang 2B, KP. Mỹ Giang 2, quận 7, TP. HCM; căn hộ số 5.10 Lô A, chung cư cao cấp 91 Nguyễn Hữu Cảnh (The Manor), P.22, quận Bình Thạnh, TP. HCM…

Tại khoản 2, Điều 33 - Luật Phòng chống tham nhũng nêu: “Nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập” như sau: Người có nghĩa vụ kê khai phải kê khai trung thực về tài sản, thu nhập, giải trình trung thực về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm theo trình tự, thủ tục quy định tại luật này và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc kê khai tài sản, thu nhập.

Ngoài ra, TGĐ PVTrans còn bị tố cáo là bổ nhiệm nhiều người thân vào quản lý các vị trí chủ chốt của PVTrans: Ông Phạm Tuấn Anh (em ruột TGĐ PVTrans Phạm Việt Anh) đang là Phó GĐ phụ trách PVTrans Hà Nội, bà Mai Thị Hoài Hương (em vợ củaTGĐ PVTrans Phạm Việt Anh) đang giữ chức GĐ PVTrans OFS

PVTrans là một tổng công ty có 51% vốn nhà nước và được hưởng lợi rất lớn từ sự hỗ trợ dịch vụ, hỗ trợ giá cước từ Tập đoàn Dầu khí Việt nam, từ các đơn vị thành viên của tập đoàn (như Tổng công ty: PVEP, BRS, PVOIL, PVGAS…). 

Tìm câu trả lời cho các vấn đề xảy ra tại PVTrans, phóng viên đã liên hệ với ông Nguyễn Sỹ Thanh, Chủ tịch HĐQT PVN, nhưng chưa nhận được sự phản hồi...

Theo Hà Trần (Thương hiệu & Công luận)

"https://thuonghieucongluan.com.vn/bo-cong-an-va-pvn-vao-cuoc-lam-ro-vu-viec-3-5-ty-dong-cua-ngan-hang-dai-duong-bi-bo-quen-tai-pvtrans-a87701.html"