Bình Dương: Chủ động nguồn hàng, đáp ứng nhu cầu thị trường cuối năm

08/12/2020 21:12

Trên địa bàn tỉnh Bình Dương việc chuẩn bị hàng hóa tết đã được các đơn vị và doanh nghiệp (DN) triển khai tương đối đầy đủ. Các DN đã chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa để tổ chức cung ứng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong dịp trước, trong và sau tết.

Các siêu thị trên địa bàn nỗ lực chuẩn bị nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu mua sắm dịp cuối năm.
Các siêu thị trên địa bàn nỗ lực chuẩn bị nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu
mua sắm dịp cuối năm. (Ảnh: TIỂU MY)

 

Theo đó, các DN cung ứng hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bình Dương, đến nay nguồn cung, nhất là các mặt hàng thiết yếu không có nhiều biến động hay tăng giá cao. Các DN chủ động, có phương án cụ thể, không để xảy ra tình trạng thiếu, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Tân Sửu. Các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ tết tăng 2 - 3 lần so với các tháng trong năm.

Ông Đường Bảo Khương, Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart I (Chi nhánh Co.opmart Bình Dương), cho biết năm 2021 tổng giá trị nguồn hàng của siêu thị hơn 363 tỷ đồng, trong đó thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán 122,8 tỷ đồng. Tại siêu thị Co.opmart II, cả năm 2021, giá trị hàng hóa là 137,7 tỷ đồng, thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán là 45,8 tỷ đồng. Chuỗi siêu thị cũng đã làm việc với các nhà cung cấp để có giá tốt nhất cho thị trường. Đại diện siêu thị Aeon - Bình Dương Canary cho biết, cả năm 2021, tổng giá trị hàng hóa của siêu thị là 379 tỷ đồng.

Các siêu thị và Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam Chi nhánh Bình Dương, Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) tham gia thực hiện bình ổn thị trường mặt hàng thịt heo trên địa bàn tỉnh cam kết bảo đảm số lượng và thực hiện bán theo đúng giá bình ổn đã đăng ký (thấp hơn giá thị trường 5 - 10%). Đồng thời, ngành công thương vận động các DN chế biến thực phẩm trên địa bàn tăng cường việc đưa ra các sản phẩm thịt heo chế biến sẵn (như thịt kho tàu, chân giò muối…) nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu, thị hiếu của người dân và thay thế một phần nhu cầu sử dụng thịt nóng trên thị trường.

Dự trữ hàng hóa thiết yếu tại các chợ truyền thống cũng có sự tăng cao để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân giai đoạn trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021. Tại các chợ khu vực chợ Thủ Dầu Một, tổng hàng hóa dự trữ là 55,7 tỷ đồng, khu vực Thuận An là 32,9 tỷ đồng, Dĩ An là 28,2 tỷ đồng. Ngành công thương đề nghị UBND các huyện, thị, thành phố sớm xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường của các hộ tiểu thương buôn bán trong chợ, triển khai kế hoạch sắp xếp trật tự kinh doanh cho các hộ cố định trong chợ và bố trí sắp xếp thêm các điểm kinh doanh bên ngoài chợ để bảo đảm phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân.

Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết năm 2021, ngoài các DN tổ chức bán hàng bình ổn tại các siêu thị hiện hữu, ngành giao nhiệm vụ cho siêu thị Co.op Mart I và II, Aeon, Citimart, Lotte Mart và Vinmart Mỹ Phước thực hiện bán hàng lưu động tại các chợ truyền thống, khu, cụm công nghiệp, khu lưu trú công nhân, khu vực nông thôn và các huyện phía Bắc tỉnh. Đồng thời, siêu thị phối hợp bán hàng lưu động tại các phiên chợ vui của chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. Thời gian bán hàng lưu động từ 2-3 ngày/ lần bán, các mặt hàng phải đa dạng, phong phú. Các DN bình ổn phải tổ chức tuyên truyền tại các điểm bán để người dân biết và tham gia mua hàng.

Theo Nguyễn Tùng

"https://thuonghieucongluan.com.vn/binh-duong-chu-dong-nguon-hang-dap-ung-nhu-cau-thi-truong-cuoi-nam-a121216.html"